Theo các chuyên gia về kiểm soát vũ khí, Triều Tiên đã thành công trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết lãnh đạo Kim Jong Un đang xem xét thử nghiệm bom H “chưa từng có ở khu vực Thái Bình Dương”, để đối phó với lời đe dọa “hủy diệt toàn bộ” nước này mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đưa ra.
Tận dụng lời đe dọa của ông Trump
“Có thể Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12, hoặc tên lửa liên lục địa Hwasong-14 mang theo đầu đạn hạt nhân và cho nổ trên vùng trời Thái Bình Dương”, Yang Uk, nhà nghiên cứu cao cấp về quốc phòng và an ninh Triều Tiên tại Seoul nói với Reuters.
Ông Yang cho biết thêm tuyên bố của Triều Tiên về việc thử bom H trên Thái Bình Dương có thể là giả mạo nhưng họ có nhu cầu để kiểm tra khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa. “Họ có thể đã chuẩn bị kế hoạch và bây giờ đang cố gắng lợi dụng tuyên bố của Tổng thống Trump như là một cái cớ để thực hiện”, ông Yang nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nếu Triều Tiên cho nổ bom hạt nhân trên Thái Bình Dương sẽ là thử nghiệm trong khí quyển đầu tiên kể từ khi Trung Quốc phát nổ một thiết bị vào năm 1980.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thường rất ít. Đợt thử nghiệm duy nhất của Mỹ về một tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm vào năm 1962 và cho nổ trên Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng được cho là từng thực hiện một bài kiểm tra tương tự khi phóng một tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn hạt nhân và cho nổ ở khu thử nghiệm Lop Nur, khu tự trị Tân Cương vào năm 1966.
Các thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên cho đến nay đều được thực hiện trong lòng đất, lần gần đây nhất vào ngày 3/9. Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng họ có thể làm được nhưng nó cực kỳ khiêu khích”.
Giáo sư Narang cho biết thêm rằng việc đặt một đầu đạn hạt nhân trực tiếp vào tên lửa chỉ được thử nghiệm vài lần trên thế giới. Tên lửa phải bay qua các khu vực có sự sống, nếu nó bay không đúng quỹ đạo, đó có thể là một sự kiện thay đổi thế giới.
Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua bầu trời Hokkaido, Nhật Bản trong tháng 9. Một phần trong loạt kiểm tra mà các chuyên gia đã minh họa những tiến bộ nhanh chóng và bất ngờ của Triều Tiên.
Tên lửa là phương tiện mang bom hạt nhân lý tưởng nhất nhưng Triều Tiên cũng có thể đặt bom lên tàu và phát nổ trên bề mặt Thái Bình Dương, các chuyên gia cho biết. Dù bằng cách nào, phóng xạ từ vụ nổ là đáng kể, cũng như phản ứng ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Nhật Bản vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Tokyo và cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi hành động của Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”.
Thử nghiệm tấn công Mỹ bằng EMP?
Ông Narang cho biết nếu vụ nổ được thực hiện ở khoảng cách đủ cao so với mặt nước biển sẽ hạn chế sự phát tán phóng xạ nhưng có thể gây nguy cơ thiệt hại do xung điện từ (EMP) tạo ra từ vụ nổ. Đây là điều mà Bình Nhưỡng từng ngụ ý sẽ sử dụng để tấn công Mỹ và đồng minh.
“Nếu tên lửa bay không đúng quỹ đạo và vụ nổ xảy ra ở độ cao nhỏ hơn, chúng ta có thể nhìn thấy một số hiệu ứng giống như xung điện từ trong khu vực”, ông Narang nói.
Theo các chuyên gia, một vụ nổ hạt nhân ở quỹ đạo thấp (LEO) bên ngoài khí quyển sẽ tạo ra xung điện từ có thể “nướng chín” các thiết bị điện tử trên khu vực rộng lớn. Thế giới đã chứng kiến sức mạnh ghê gớm của EMP tạo ra từ vụ nổ hạt nhân ở quỹ đạo thấp.
Cực quang từ vụ nổ Starfish Prime có thể nhìn thấy từ khoảng cách hàng nghìn kilomet. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Theo Discovery, tháng 7/1962, Mỹ phóng tên lửa đạn đạo Thor mang theo đầu đạn hạt nhân hướng về đảo san hô Johnston, cách khoảng 1.500 km về phía tây nam Hawaii. Vụ thử nghiệm được gọi là Starfish Prime. Tên lửa được lập trình phát nổ ở độ cao cách mặt đất 400 km. Vụ nổ tạo ra sóng xung kích vượt ra ngoài tính toán của các nhà khoa học.
Sóng xung kích, hay EMP tạo ra gây nổ bóng đèn đường ở tận Hawaii, gây ra tình trạng nghẽn mạng điện thoại, chập mạch điện trên máy bay và nhiều hiệu ứng khác vượt ra ngoài dự đoán của các nhà khoa học. Nhiều electron từ vụ nổ không rơi vào khí quyển và bay lơ lửng trên không gian trong nhiều tháng. Chúng bị mắc kẹt bởi từ trường trái đất, tạo ra vành đai bức xạ nhân tạo bên ngoài khí quyển.
Các electron bay với tốc độ cao trong không gian va chạm với vệ tinh có thể tạo ra một loại EMP nhỏ có thể gây hỏng các vệ tinh. Thực tế, EMP từ vụ nổ Starfish Prime đã gây hỏng ít nhất 6 vệ tinh, trong đó có một của Liên Xô.
Tác động tổng thể của vụ nổ Starfish Prime gây sốc cho các nhà khoa học. Họ nhận thấy rằng vụ nổ hạt nhân công suất lớn ở quỹ đạo thấp có thể phá hủy mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, làm gián đoạn khả năng trả đũa quân sự, thậm chí tàn phá hệ thống điện tử dân dụng cả một quốc gia.
Các chuyên gia lo ngại Triều Tiên sẽ khai thác tính năng này để tấn công nước Mỹ trong tương lai. Việc thực hiện cuộc tấn công như vậy sẽ không đòi hỏi quá trình dẫn hướng chính xác, hay các thiết bị phức tạp để bảo vệ đầu đạn khi tái nhập khí quyển.
Joshua Pollack, biên tập viên tờ Nonproliferation Review ở Washington, nói rằng “thử nghiệm như vậy sẽ là bản demo cuối cùng cho mọi thứ”.