Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Hà Nội, năm 1955. Ảnh: Time |
Trong một bài viết trên tạp chí Time, nhà báo Stanley Karnow viết: "Một thân hình gầy gò, áo khoác sờn và đôi dép cao su đã mòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên hình ảnh Bác Hồ giản dị trong mắt người dân. Ông Hồ là một nhà cách mạng nhiệt thành, suốt đời đấu tranh cho mục đích duy nhất, đó là mang lại độc lập tự do cho dân tộc".
Theo Karnow, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội quân du kích đã vượt qua nhiều trở ngại để đè bẹp thực dân Pháp và xây dựng một đội quân lớn, chiến thắng đế quốc Mỹ.
"Trong con mắt phương Tây, họ không thể tưởng tượng được về những hy sinh to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm", nhà báo nhận xét.
Trong khi đó, nhà báo Mỹ Alden Whitman mở đầu bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ New York Times bằng đoạn: "Đối với 19 triệu người ở phía bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người khác ở phía nam vĩ tuyến này, Hồ Chí Minh với dáng người gầy, chòm râu dài, cùng đôi mắt sáng thực sự như một vị già làng của toàn thể dân tộc Việt Nam".
Theo Whitman, sau năm 1954, Việt Nam tạm thời bị phân chia theo Hiệp định Geneva và đứng trước nguy cơ bị chia cắt, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo nhân dân ở miền Bắc chống trả sức mạnh quân sự của người Mỹ. Trong chiến tranh, thủ đô Hà Nội cùng nhiều thành phố khác của miền Bắc đã liên tục bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến trường kỳ và nhiều mất mát.
Harry Ashmore, cựu chủ bút của tờ Arkansas Gazette, cùng William C. Baggs, biên tập viên của tờ Miami News, là hai người Mỹ có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi gặp gỡ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 1967.
"Ông Hồ là một người lịch thiệp, nho nhã và khoan thai", nhà báo Ashmore mô tả. Tại cuộc gặp gỡ đó, Hồ Chủ tịch mặc áo trắng cổ cao, chân đi dép cao su. Ông liên tục hút thuốc, loại thuốc Salems của Mỹ.
Hồ Chủ tịch đã khiến Ahsmore ngạc nhiên về tài giao tiếp bằng tiếng Anh. "Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều ngoại ngữ mà ông thành thạo, gồm tiếng Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga", nhà báo Mỹ viết.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng cho những người từng tiếp xúc. Lãnh tụ Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả Hồ Chí Minh bằng cụm từ "đặc biệt dễ mến và thân thiện". Trong khi đó, Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp được tiếp chuyện với Hồ Chủ tịch trong các năm 1946 và 1947 thì thấy ở Bác hình ảnh "một nhà cách mạng kiên định, liêm khiết".
Một tư lệnh hải quân Pháp sau khi tiếp xúc với Hồ Chủ tịch trong 3 tuần thì kết luận rằng, nhà lãnh đạo Việt Nam là "một người thông minh, lôi cuốn, một nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mà ông theo đuổi, một con người tin tưởng chân thành vào các khẩu hiệu chính trị xã hội của thời đại".
"Vũ khí nguyên tử cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng"
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại một hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4/12/1953. Ảnh: AFP |
Theo New York Times, Hồ Chí Minh tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của cuộc chiến tranh.
Năm 1962, khi cuộc chiến còn nhỏ hẹp giữa một bên là quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng 11.000 cố vấn Mỹ và một bên là lực lượng du kích nhỏ, Hồ Chủ tịch đã nói với một vị khách Pháp: "Chúng tôi đã phải chiến đấu gian khổ 8 năm để đánh bại nước Pháp các ông. Bây giờ chế độ Việt Nam Cộng hòa được trang bị tốt hơn và được Mỹ hỗ trợ. Quân Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều, dù họ không hiểu chúng tôi bằng người Pháp. Vì vậy, có lẽ dân tộc tôi phải mất 10 năm để đánh bại Mỹ, nhưng đồng bào anh hùng của chúng tôi ở miền Nam cuối cùng sẽ đánh bại họ".
Đầu năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng như vậy khi trò chuyện với Ashmore và Baggs. "Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình hơn 25 năm. Và tất nhiên chúng tôi yêu quý hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập để đổi lấy hòa bình với Mỹ hay bất cứ nước khác".
Kết thúc cuộc gặp, Hồ Chủ tịch nắm bàn tay phải lại thành quả đấm và nói trong xúc động: "Các ngài cần phải thấy được quyết tâm của chúng tôi. Ngay cả vũ khí nguyên tử của các ngài cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng sau cuộc đấu tranh lâu dài và mãnh liệt vì nền độc lập của đất nước".