Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo Tây viết về tranh cổ động thời kháng chiến ở Việt Nam

Một họa sĩ Italy nhận xét rằng nghệ thuật tuyên truyền của Việt Nam trong giai đoạn 1950-1970 ra đời ngay trong cuộc xung đột nên có nhân vật, tính cấp bách và phong cách riêng.

Ảnh: CNN
Một tác phẩm tuyên truyền trong bộ sưu tập Dogma do Richard di San Marzano lựa chọn và giới thiệu. Ảnh: CNN

Từ cuộc chiến tranh thời hậu thuộc địa tới các trận đánh giành thống nhất khi Việt Nam tách thành hai miền sau Hiệp định Geneva năm 1954, các nghệ sĩ tuyên truyền tại miền bắc Việt Nam là cầu nối trong việc gửi gắm thông điệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh tới tiền tuyến cũng như người dân ở cả hai mặt trận, theo CNN.

Lôi cuốn, rẻ và hiệu quả, tranh cổ động tại Việt Nam ra đời để truyền tải các thông điệp.

“Các áp phích là một tài liệu lịch sử, nhưng nó cũng là minh chứng cho nghệ thuật và sự phát triển của các nghệ sĩ trong nước”, Richard di San Marzano, một họa sĩ Italy và là người quản lý bộ sưu tập mang tên Dogma về nghệ thuật tuyên truyền của Việt Nam, nhận xét.

Marzano nói rằng khoảng 1.000 bức tranh ban đầu trong hàng loạt tác phẩm của Dominic Scriven, một chủ ngân hàng đầu tư tại Anh, đã được chuyển tới Việt Nam trong những năm 1990.

“Nghệ sĩ là những người lính trên mặt trận văn hóa”

Ảnh: CNN
Một bức tranh cổ động thời chống Mỹ cứu nước. Ảnh: CNN

Theo ông di San Marzano, không giống thời Chiến tranh Lạnh, nghệ thuật tuyên truyền của Việt Nam ra đời ngay trong các cuộc xung đột. Do đó, nó có nhân vật, tính cấp bách và phong cách riêng.

Đuổi “những kẻ xâm lược ngoại quốc” và thực hiện những hành động quân sự như bắn hạ máy bay Mỹ là những chủ đề phổ biến trong các tấm áp phích. Ngoài ra, biểu tượng quốc gia như hoa sen cũng thường xuất hiện trong những bức tranh cổ động.

Trong khi đó, phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong những tấm áp phích với nhiều vai trò khác nhau, nhưng đều rất độc đáo. Họ giống như những chiến sĩ ngoài mặt trận.

Vào thời kỳ chiến tranh, đặc biệt sau sự leo thang của Mỹ vào năm 1965, sơn và giấy thường trở nên khan hiếm. Do đó, nhiều tranh cổ động vào giai đoạn này ra đời trên mặt sau của mọi loại hình ấn phẩm - chẳng hạn như bản đồ.

Di San Marzano cho hay, đa phần các tấm áp phích đều có chữ ký của tác giả.

“Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chữ ký trên khoảng 80% các bức tranh cổ động”, di San Marzano bình luận.

Từ những chữ ký ấy, ông tìm một số nghệ sĩ và khởi động dự án nhằm bảo tồn và giữ lại càng nhiều tranh cổ động càng tốt trước khi chúng biến mất mãi mãi. Di San Marzano dành nhiều năm để tạo dựng một "bức tranh lớn" về tầm quan trọng của nghệ thuật tuyên truyền tại Việt Nam và những người sáng tạo ra chúng, kể từ khi ông lập bộ sưu tập vào năm 2007.

Cuộc triển lãm "Một khí thế cách mạng", sự kiện để San Marzano trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập Dogma, sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 8 đến 22/4.

Cuộc đời võ sĩ huyền thoại từ chối tham chiến tại Việt Nam

Võ sĩ quyền anh Muhammad Ali bị kết án 5 năm tù, tước danh hiệu, cấm thi đấu trong 3 năm và phải bồi thường 10.000 USD vì quyết định không chiến đấu tại Việt Nam 49 năm trước.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm