Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và trên thế giới, đội ngũ phóng viên ảnh là lực lượng tiếp cận nơi xảy ra sự việc nhiều nhất. Từ bệnh viện, trường học, đường phố, khu dân cư bị phong tỏa đến sân bay, nhà ga, không nơi nào thiếu vắng các tay máy ghi nhận hình ảnh để truyền tới độc giả cả nước. |
Thạch Thảo (24 tuổi) đã có 2 lần nằm vùng trong đợt dịch lớn ở Hải Dương và Bắc Ninh. Tại Hải Dương, thời gian tác nghiệp của Thảo kéo dài hơn một tháng, trùng với đợt Tết Nguyên đán. Đêm 30 Tết, cô có mặt tại khu cách ly tập trung lớn nhất Hải Dương để thực hiện một bộ ảnh phóng sự đón giao thừa. Dịp này, Thảo đón năm mới cùng những công nhân, chiến sĩ quân đội, y bác sĩ tại đây. Trong ảnh, nữ phóng viên ngồi trên nóc tòa nhà đối diện, tranh thủ chợp mắt trước khi thời khắc giao thừa tới. "Tết đặc biệt nơi tâm dịch Chí Linh". |
Lần thứ 2 tác nghiệp tại tâm dịch, Thạch Thảo có mặt ở Bắc Ninh trong những ngày tỉnh này cùng với Bắc Giang trở thành “điểm nóng” trên cả nước. Cô cho biết lần này đã tích lũy thêm cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau một ngày dài theo chân đội lấy mẫu đi làm việc, cô ngồi nghỉ trong bộ bảo hộ, tranh thủ trò chuyện cùng một nhân viên y tế cũng chính là nhân vật trong bài phóng sự ảnh "Những người hùng ‘dép tổ ong’ tại tâm dịch Bắc Ninh" đăng tải trên Zing ngày 4/6. |
Rạng sáng một ngày tháng 6, phóng viên Đỗ Hoàng Hiệp có mặt trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bắc Ninh. Sau khi tỉnh này mở rộng lấy 540.000 mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, các phòng chạy máy của CDC phải làm việc thâu đêm. Tại đây, Hiệp đã thực hiện một phóng sự về công việc vất vả của đội ngũ y tế. Đây là một trong nhiều đề tài anh thực hiện xuyên suốt 20 ngày tác nghiệp tại tâm dịch. "Chống dịch là không kể ngày đêm". |
Phóng viên Việt Linh (bên phải) và hai đồng nghiệp khác ngồi thở dốc sau khi đuổi theo đoàn xe chở công nhân từ tâm dịch Bắc Giang về Hà Nội. "20 xe buýt chở gần 300 công nhân từ tâm dịch Bắc Giang về Hà Nội". |
Việt Linh tác nghiệp lúc nửa đêm tại vùng dịch ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hôm đó, anh xuất phát từ 23h, làm việc đến 2h sáng hôm sau. Trong quá trình đó, anh phải ngồi tại hiện trường để biên tập bài cho kịp tốc độ đưa tin. Linh cho biết trong thời điểm dịch Covid-19, bản thân không kể ngày đêm, chỉ cần có thông tin là lên đường làm nhiệm vụ. "Phong tỏa 4 thôn ở Hà Nội lúc nửa đêm". |
Phóng viên Chí Hùng có 1,5 năm làm việc tại tòa soạn. Với bộ máy ảnh cùng chiếc balo sau lưng, nam phóng viên chụp ảnh đoàn xe quân đội phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. |
Chí Hùng tác nghiệp tại buổi đầu tiên lấy mẫu toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất trong đợt dịch bùng phát trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. |
Duy Hiệu (phải) chụp cùng điều dưỡng Đào Ngọc Sang thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. Đây là nhân vật trong bài story “Hành trình đưa F0 đi điều trị Covid-19 tại TP.HCM”. Anh theo xe cấp cứu của điều dưỡng Sang hơn 5 giờ, đón người dương tính với SARS-CoV-2 từ trung tâm thành phố đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (TP.HCM). |
Duy Hiệu và Bích Huệ tác nghiệp tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi vào 23h đêm 30 Tết Tân Sửu. Bệnh viện này lúc đó là nơi điều trị Covid-19 lớn nhất TP.HCM. Trước đó, ngày 25 Tết, ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất được phát hiện, cả thành phố bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với tâm thế thận trọng. Từ tối 30 đến rạng sáng mùng 1 Tết, hai phóng viên đi phỏng vấn, tìm kiếm câu chuyện để thực hiện phóng sự tại điểm nóng Covid-19 trong thời khắc giao thừa. "Tết ở điểm nóng Covid-19 TP.HCM". |
Phóng viên Đức Anh tác nghiệp tại Trung tâm y tế quận Hà Đông tại sự kiện đón 19 công dân về từ tâm dịch Bắc Giang, trưa 15/6. Anh chia sẻ việc mặc quần áo bảo hộ luôn gây khó khăn cho việc tác nghiệp báo chí, nhất là trong mùa hè. "Quận Hà Đông đón 19 công dân từ Bắc Giang trở về". |
Trưa 7/5, nhận được tin Binh chủng Hóa học kết hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) sau khi nơi đây ghi nhận 10 ca dương tính với SARS-CoV-2, phóng viên Phạm Thắng có mặt từ sớm để ghi nhận. Giữa thời tiết 37 độ C, anh cùng đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ trèo lên xe phun khử khuẩn. Ôtô di chuyển liên tục quanh khuôn viên của bệnh viện, anh và đồng nghiệp thay nhau làm điểm tựa để người còn lại tranh thủ tác nghiệp trong 15 phút. "Việc có mặt tại các điểm nóng dịch bệnh là nhiệm vụ và cũng là vinh dự của người làm báo", anh Thắng nói. "Bệnh viện K Tân Triều bị phong tỏa, kiểm soát chặt". |
Phóng viên Văn Nguyện ở điểm điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Đà Nẵng. Lần đầu được tác nghiệp tại tâm dịch và cũng là lần đầu đi vào khu điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, anh cảm thấy mình là người may mắn. "Tôi không lo sợ gì nhiều, tôi sẵn sàng tâm lý phải đi cách ly, thậm chí có thể bị nhiễm Covid-19. Đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm báo của mình. Tôi đã học hỏi được nhiều điều, có nhiều trải nghiệm quý giá và càng thấy yêu cái nghề mình đang làm hơn", Nguyện tâm sự. "Bên trong nơi nguy hiểm nhất ở tâm dịch Đà Nẵng". |