Ông Lê Việt Trường (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội) cho biết một trong những nội dung chính của cả hai dự án Luật là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Dư luận xã hội có nhiều ý kiến
- Thưa ông, vì sao việc luật hoá phong, thăng hàm cấp tướng lại được đặt ra vào thời điểm này?
- Hiến pháp giao Quốc hội quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân. Lâu nay luật chỉ quy định khung, chưa quy định cụ thể các chức vụ của sĩ quan, nhất là các chức vụ có bậc quân hàm cấp tướng. Lần này Quốc hội thực hiện quyền Hiến định để “luật hoá” các chức vụ sĩ quan có cấp bậc quân hàm cấp tướng, ví dụ như với một chức vụ nào đó trong quân đội hay trong công an thì tương ứng với chức vụ đó sẽ có trần quân hàm cao nhất là gì.
Sĩ quan trong lực lượng vũ trang là những người đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và chỉ huy, nếu chúng ta xây dựng được hai dự án luật có chất lượng tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như Hải quân, Phòng không - Không quân… Đây càng là công việc quan trọng trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo an ninh trật tự hiện nay.
- Còn lý do nào khác nữa không, thưa ông?
- Lâu nay quy định pháp luật về phong, thăng quân hàm cấp tướng đã được chấp hành đầy đủ, tuy nhiên cũng có những sự vận dụng nhất định. Mặc dù sự vận dụng đó có cơ sở là các quy định của Chính phủ, nhưng trong dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến, có cả ý kiến của một số vị lão thành từng cống hiến lâu năm trong lực lượng vũ trang.
Ông Lê Việt Trường. |
Các ý kiến này có chung cách đặt vấn đề là phải đảm bảo giữ được vị thế, uy tín của đội ngũ tướng lĩnh. Tránh “nhanh, nhiều” theo hướng lên tướng nhanh hơn, một năm nhiều đợt phong hơn nhưng lại không đi cùng với chất lượng thực sự.
Cá nhân tôi đồng tình với cách đặt vấn đề như nêu trên. Là một đất nước chịu nhiều cơn binh đao giặc giã, dân tộc ta từ xưa có văn hoá suy tôn các vị tướng lĩnh, ở nhiều địa phương người dân đã xây dựng đền thờ các vị tướng có công với nước, với dân, chúng ta phải giữ gìn tình cảm trân trọng đó trong lòng người dân.
Cấp hàm của lực lượng vũ trang địa phương không được “vênh”
- Theo ông, cần có những quy định như thế nào để việc phong, thăng hàm cấp tướng được như cha ông ta ngày xưa đã nói là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”?
- Về việc này, cấp có thẩm quyền đã nhiều lần cho chủ trương. Yêu cầu đặt ra là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ, xác định rõ các vị trí có nhu cầu quân hàm cấp tướng. Xác định rõ thời hạn xét thăng quân hàm. Cụ thể như thời gian thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng và thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm.
Ngoài ra có một số nguyên tắc cơ bản khác như hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác. Một vấn đề nữa là thống nhất cấp hàm của công an và quân đội ở địa phương (tỉnh và huyện) là tương đương nhau.
- Thực tế vừa qua có nhiều giám đốc công an cấp tỉnh được phong thiếu tướng. Như vậy một trong những vấn đề đặt ra lần này là cấp hàm của giám đốc công an tỉnh và chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh phải tương đương?
- Việc phong, thăng cấp hàm căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có đặc điểm, tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân, nhưng nếu nhìn nhận vấn đề trong tương quan giữa công an và quân đội ở địa phương thì sẽ có sự vênh nhau. Giám đốc công an tỉnh và chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh đều ở trong thường vụ cấp uỷ, tuy nhiên khi xảy ra vấn đề trên địa bàn thì chỉ huy trưởng quân sự sẽ là người chỉ huy chung, bên công an chỉ tham gia phối thuộc. Như vậy nếu chỉ huy trưởng quân sự là đại tá mà công an là thiếu tướng thì người chỉ huy chung lại có quân hàm thấp hơn hay sao?
Tôi được biết dự thảo Luật công an nhân dân (sửa đổi) đã quy định giám đốc công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, đối với Hà Nội và TP.HCM là trung tướng, ngoài ra có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thiếu tướng. Tôi nghĩ rằng quy định với 6 tỉnh, thành chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong Quốc hội. Vì rất khó có thể thuyết phục, giải thích vì sao giám đốc công an các tỉnh, thành này là thiếu tướng?
Các tỉnh khác như Gia Lai, Kon Tum nằm ở vị trí “nóc nhà” Tây Nguyên có quan trọng không? Về chức năng, nhiệm vụ là như nhau, tỉnh nào đông dân mà xây dựng được phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự tốt, thì sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chứ?
Quan điểm của tôi là nên tạo một mặt bằng chung, còn những sĩ quan nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là ở các tỉnh, thành đông dân thì có thể được xem là điểm cộng khi xem xét cất nhắc, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn.
Không hạn chế người trẻ
- Trong bối cảnh hiện nay và để phù hợp với việc lực lượng hải quân tiến thẳng lên hiện đại, ví dụ như trị giá kinh tế và uy lực của lữ đoàn tàu ngầm là rất lớn, nên chăng việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng này có chính sách đặc thù?
- Vừa qua Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại Bộ Chỉ huy Vùng Hải quân thành Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân, việc tổ chức lại đó không chỉ là tên gọi mới mà cấu trúc tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng có nét mới. Chính vì vậy vấn đề liên quan đến quân hàm nên được xem xét trên tinh thần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cũng như yêu cầu đối ngoại.
Tuy nhiên, vấn đề quân hàm thì chúng ta phải đặt trong mối tương quan chung của quân đội chứ không đơn giản. Đây là câu hỏi rất khó và Quốc hội sẽ xem xét để quyết định cuối cùng. Bộ tư lệnh vùng Hải quân nằm trong Bộ tư lệnh Hải quân, mà Bộ Tư lệnh Hải quân được xếp như Bộ Tư lệnh quân khu.
Nếu như Bộ Tư lệnh vùng Hải quân có quân hàm cấp tướng thì Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh có quân hàm cấp tướng hay không? Hay ta lấy ví dụ như sư đoàn trưởng sư đoàn phòng không không quân, cũng nắm giữ trong tay rất nhiều phương tiện vũ khí hiện đại, vậy quân hàm của sư đoàn trưởng này như thế nào? Tất cả những vấn đề đó vừa cụ thể lại vừa phải được đặt trong mặt bằng chung.
- Theo quy định của Dự thảo Luật, tính từ thời điểm nhập ngũ, nếu phấn đấu và phát triển tốt, để lên đến cấp bậc đại tá, sĩ quan quân đội có tuổi đời khoảng 47. Nếu quy định thời hạn mỗi cấp tướng là 4 năm thì cấp bậc thiếu tướng là 51, trung tướng là 55, thượng tướng là 59 và đại tướng là 63. Tuổi nghỉ hưu của cán bộ cấp tướng theo quy định của Dự thảo Luật là 60. Như vậy để góp phần trẻ hoá đội ngũ tướng lĩnh thì nên chăng rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm, ví dụ 3 năm thay vì 4 năm?
- Việc xác định thời hạn để phong thăng quân hàm trong quân đội và công an là một khoa học, nếu nói rút ngắn không phải không có lý do, nhưng cái chúng ta cần là phương án nào tối ưu nhất. Thực ra theo quy luật, sĩ quan phát triển lên cao theo hình chóp, chứ không phải tất cả đều dàn hàng ngang. Luật hiện hành có quy định về phong thăng trước niên hạn, không ai cấm bổ nhiệm những người có thành tích, có năng lực trước niên hạn.
Chúng ta chỉ quy định trần quân hàm cao nhất của chức vụ này là đại tá, là thiếu tướng hay là trung tướng, chứ chúng ta không hạn chế bổ nhiệm một người trẻ ngoài 30 tuổi làm sư đoàn trưởng hoặc các chức vụ cao hơn nếu người đó thực sự có năng lực.
- Vừa qua trong thảo luận ở Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các ý kiến đều thống nhất cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Bộ trưởng Bộ Công an là đại tướng. Riêng việc có thêm cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng cho thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an thì còn ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông thế nào?
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Tương tự như vậy, Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân. Ngoài ra, trong quân đội nhân dân thì Bộ Tổng tham mưu không chỉ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng mà còn là cơ quan chỉ huy tác chiến của quân đội nhân dân, dân quân tự vệ.
Tổng cục Chính trị là cơ quan chỉ đạo và tiến hành công tác Đảng, công tác Chính trị trong quân đội. Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Vậy nên việc quy định cấp bậc quân hàm cao nhất cho các chức vụ nêu trên là đại tướng đã nhận được sự đồng thuận, phù hợp với truyền thông của quân đội.
Riêng việc quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng cho thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an thì tôi nghĩ rằng không đơn giản để thuyết phục được đại biểu Quốc hội. Chúng ta biết là cấp phó dù phó thứ nhất hay phó thứ hai thì cũng không phải là cấp trưởng, chỉ là người thay thế Bộ trưởng điều hành các hoạt động của Bộ khi Bộ trưởng vắng mặt.