Theo tờ trình của Chính phủ về dự án luật Công an nhân dân (sửa đổi) trước UB Thường vụ QH chiều 15/4, đối với Bộ trưởng Công an, dự thảo giữ nguyên quy định của luật năm 2005, cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng.
"Cấp bậc hàm cao nhất của các thứ trưởng là thượng tướng. Riêng đối với thứ trưởng thứ nhất, cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng, vì trên thực tế, đồng chí này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an, sau Bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân", tờ trình nêu rõ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh QH Nguyễn Kim Khoa cho rằng, đây là một trong số những nội dung mà dự thảo chưa thực hiện triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Các thông báo của Bộ Chính trị cho ý kiến về việc sửa đổi luật Công an nhân dân đều nhấn mạnh yêu cầu quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc.
Bộ trưởng Trần Đại Quang hiện là Đại tướng Công an duy nhất. |
Do tính chất quan trọng của dự án luật này, UB Tư pháp cũng họp riêng một buổi. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết ý kiến chính thức của UB Tư pháp là việc phong thăng bậc hàm cấp tướng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị - phải quy định chặt chẽ, đúng với tình hình công tác hiện nay.
"Trong thông báo của Bộ Chính trị nói cấp hàm của công an và quân đội các địa phương, tức là cấp tỉnh, huyện, là tương đương nhau, nhưng điều này không có nghĩa là các cấp hàm ở trung ương, tức là ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng phải tương đương nhau", ông Hiện nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh nguyên tắc chấp hành toàn diện sự lãnh đạo của Đảng: "Tôi là số một về giữ nguyên tắc này, khác ý mình cũng phải chấp hành".
Về đề xuất của Chính phủ nâng trần cấp bậc hàm lên đại tướng cho thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an, ông Nguyễn Sinh Hùng nhận định: "Từ Quốc hội đến Chính phủ đến các bộ, cả bên quốc phòng, có cơ quan nào cho chức vụ là 'phó thứ nhất', 'phó thứ hai' không? Phó thường trực cũng không phải là cấp trưởng, đó chỉ là người được ủy quyền thay mặt cấp trưởng khi cấp trưởng đi vắng".
Một quy định dự kiến khác cũng khiến các thành viên Thường vụ QH băn khoăn là trần cấp bậc hàm của giám đốc công an tỉnh.
Chức vụ này ở các tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, riêng ở các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, giám đốc công an có thể là thiếu tướng (vì 3 tỉnh này là tỉnh biên giới, dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp). Đối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt, giám đốc đông an có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng.
UB Thường vụ muốn Chính phủ thuyết phục rõ hơn về căn cứ quy định cứng các địa phương trên trong luật.
Thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ trong Công an nhân dân cũng phải được giải trình rõ hơn.
Dự thảo luật hiện đang quy định Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân; Thủ tướng bổ nhiệm các chức vụ thứ trưởng, tổng cục trưởng, tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh trong Công an nhân dân.
Yêu cầu cơ quan soạn thảo làm lại cẩn thận dự thảo này để trình QH cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tháng 5 tới, Chủ tịch QH nhấn mạnh cần "hạn chế tối đa sự khác với Hiến pháp và pháp luật, khác với chỉ đạo của Bộ Chính trị, khác giữa công an và quân đội".
Ngày 16/4, Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về dự thảo luật Sĩ quan Quân đội nhân dân cũng để chuẩn bị trình QH tại kỳ họp tới