Sáng 9/9, thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) đề nghị cân nhắc việc quy định quân hàm cấp tướng cho chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo Ủy ban QPAN, việc tổ chức quân đội làm kinh tế là phù hợp với chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất”. Tuy nhiên, việc lao động sản xuất là nhiệm vụ của toàn quân, còn việc tổ chức sĩ quan, thực hiện quản lý các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Sĩ quan hiện hành.
“Các doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản tại doanh nghiệp không tham gia các hoạt động quân sự, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho quân đội thì chỉ nên bố trí diện quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
Theo Ủy ban QPAN, việc quy định trần quân hàm cấp tướng ở một số chức vụ phải bảo đảm tương quan với quy định của Luật Công an nhân dân (sửa đổi), nhất là ở bộ chỉ huy quân sự và công an cấp tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban QPAN cũng cho rằng việc quy định quân hàm cấp tướng như trong dự thảo chưa bảo đảm được yêu cầu của Đảng là “Quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng quân hàm cấp tướng ngay trong luật theo đúng quy định của Hiến pháp”.
Do đó, có ý kiến đề nghị quy định tổng số sĩ quan có quân hàm cấp tướng để bảo đảm cơ cấu quân hàm cấp tướng ổn định trong hệ thống cấp bậc quân hàm của Quân đội nhân dân. Đồng thời, đề nghị khi xây dựng dự thảo luật cần bám sát các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.
Một nội dung khác cũng được quan tâm là khoản 3 Điều 15 luật hiện hành quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng và có quá trình cống hiến xuất sắc được thăng quân hàm cao hơn một bậc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan nói riêng và giữa các địa phương nói chung. Do đó, dự thảo luật đề xuất bỏ quy định trên và bổ sung quy định mới: “Sĩ quan được xét thăng quân hàm cao hơn một bậc, do cấp có thẩm quyền quyết định”.
“Quy định như vậy để phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, giữ gìn, sử dụng những sĩ quan xuất sắc, có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, đồng thời thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào đội ngũ sĩ quan”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.