Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phong tỏa phơi bày bất công đối với 'nhà quan tài' Hong Kong

Người dân sống ở những ngôi nhà bé như "quan tài" hay "chuồng cọp" ở Hong Kong thêm phần khốn đốn khi lệnh phong tỏa để chống dịch được ban bố.

Shirley Leung là một phụ nữ 60 tuổi đã về hưu. Tuần trước, khi Hong Kong lần đầu tiên bị phong tỏa vì đại dịch, Leung mắc kẹt trong căn hộ tí hon với người con trai đã trưởng thành của bà. Nhà của bà Leung thực chất là gian phòng chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường đơn, vài chiếc hộp giấy và chậu nhựa đựng quần áo.

Tại các khu căn hộ cũ kỹ ở Hong Kong, trần nhà và tường bốc lên mùi ẩm thấp, mốc meo. Kết cấu những khu căn hộ chật chội, thông nhau làm người phụ nữ hoài nghi lệnh phong tỏa có giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.

"Nếu một căn hộ có người nhiễm bệnh, làm thế nào để ngăn virus không lây sang các căn hộ kế bên. Làm thế nào chúng tôi có thể an toàn ở đây", bà Leung nói.

Đằng sau sự hào nhoáng

Hong Kong từ lâu đã là một trong những thành phố bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Tại nơi từng được ví von là "viên ngọc quý trên vương miện của Đế quốc Anh", giờ đây, người ta dễ dàng nhìn thấy những trung tâm thương mại - tài chính xa hoa nằm sát vách với các chung cư quá tải, cũ kỹ.

Trong điều kiện bình thường, phân hóa giàu nghèo bị lu mờ trước sự hào nhoáng của Hong Kong. Nhưng khi đại dịch ập đến, không gì che giấu được sự bất bình đẳng đến cùng cực tại Hương Cảng.

Từ đầu năm 2021, hơn 160 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện ở khu cư dân Jordan trên bán đảo Cửu Long, trong tổng số 1.100 ca nhiễm toàn thành phố.

nha quan tai Hong kong anh 1

Nhân viên y tế được điều động tới để xét nghiệm cư dân ở Jordan. Ảnh: New York Times.

Tuần trước, chính quyền đặc khu quyết định phong tỏa 10.000 cư dân sống tại 16 khu chung cư ở Jordan. Hơn 3.000 nhân viên y tế đã được triển khai để xét nghiệm virus trên diện rộng.

Hôm 26/1, Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố phong tỏa có hiệu quả, đồng thời cho biết sẽ có thêm các lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Không lâu sau Jordan, khu Du Ma Địa cũng bị phong tỏa.

Các quan chức Hong Kong nói điều kiện sinh hoạt tồi tàn tại nhiều khu chung cư ở Jordan là nguyên nhân khiến virus lây lan mạnh.

Jordan là một trong những nơi mật độ cư dân đông nhất thành phố. Ở đây có nhiều khu chung cư cao tầng đã hàng chục năm tuổi. Điều đáng nói là, từ mỗi căn hộ tiêu chuẩn, người ta lại tiếp tục chia thành hai đến ba căn phòng nhỏ hơn nữa cho mỗi hộ gia đình.

Tại Hong Kong, hơn 200.000 người có thu nhập thấp nhất sống trong những căn phòng chia nhỏ như vậy. Trung bình, không gian sinh sống của mỗi người dân Hong Kong chỉ là 4,4 m2. Có những căn hộ chia nhỏ đến mức được gọi là "căn hộ quan tài" hay "nhà chuồng cọp".

Điều kiện sống tồi tàn khiến tình trạng phong tỏa trở thành thảm kịch với vô số người dân. Họ sợ hãi trước cảnh mắc kẹt trong những khu nhà chật hẹp, điều kiện thông gió kém, có thể trở thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Hơn nữa, với họ, mất đi ngày công làm việc đồng nghĩa mất đi tiền lương.

Nhà chức trách thừa nhận không nắm chính xác số người đang sống trong các khu chung cư chật chội ấy, khiến công tác xét nghiệm càng thêm phức tạp.

Người nghèo là nạn nhân

Không ít người thuộc tầng lớp dưới đổ lỗi cho chính quyền đặc khu vì đã tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát, sau đó lại áp đặt các biện pháp chống dịch mạnh tay lên những nhóm cư dân ít có khả năng đương đầu nhất với lệnh phong tỏa.

Người thu nhập thấp oán trách tầng lớp giàu có Hong Kong, những người thường xuyên tham gia tiệc tùng và du lịch, kể cả ra nước ngoài, là nhóm đã khiến dịch bệnh bùng phát, nhưng giờ không phải chịu những hậu quả tương tự.

"Nếu có người làm gì sai, đó phải là dân nghèo, sống trong những căn hộ chia nhỏ, hoặc có màu da khác", Andy Yu, một quan chức sống tại khu vực bị phong tỏa, cay đắng nói.

Từ khi đại dịch bùng phát, các khu chung cư chia nhỏ đông đúc đã trở thành mối bận tâm về y tế.

Tại đây, hệ thống đường ống nước thường được kết cấu lại để phục vụ cho phòng tắm và nhà bếp phát sinh. Nhưng, quá trình lắp đặt đường ống nước, với những lỗi kỹ thuật không thể khắc phục, tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ dàng lây lan.

nha quan tai Hong kong anh 2

Những khu chung cư đã ở trong tình trạng cũ nát. Ảnh: New York Times.

Trong đại dịch SARS năm 2002-2003, hơn 300 người sống trong cùng một khu nhà đã nhiễm bệnh, với 42 ca tử vong, sau khi virus lây nhiễm qua đường ống nước.

"Rất nhiều tòa nhà trong khu vực bị phong tỏa đã cũ và không được sửa chữa, khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao", Sophia Chan, quan chức phụ trách vấn đề y tế và thực phẩm của Hong Kong, nói.

Lệnh phong tỏa ở Jordan chỉ kéo dài 2 ngày. Đến nửa đêm 24/1, nhà chức trách tuyên bố đã xét nghiệm toàn bộ cư dân, phát hiện 13 người dương tính với virus.

Thế nhưng, các chuyên gia chỉ trích chính quyền Hong Kong đã không giải quyết những vấn đề gốc rễ.

Wong Hung, Giám đốc Viện Bình đẳng Y tế tại Đại học Hong Kong, cho rằng nhà chức trách không có quy định phù hợp để quản lý các khu căn hộ chia nhỏ.

"Họ sợ rằng nếu thực sự làm gì đó, những người thu nhập thấp kia sẽ không thể tìm được nơi để ở", giáo sư Wong nói. Hong Kong là một trong những thành phố giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.

Phân biệt nhắm vào người thiểu số

Bất bình đẳng thu nhập ở Hong Kong gắn chặt với vấn đề chủng tộc. Dịch bệnh càng khiến tình trạng phân biệt đối xử với cư dân từ Nam Á thêm trầm trọng.

Gần 1/3 số gia đình người Nam Á ở Hong Kong đang sống dưới mức nghèo, gần gấp đôi so với tỷ lệ người nghèo trên toàn thành phố.

Khu vực Jordan tập trung lượng lớn người Nam Á sinh sống. Khi virus bắt đầu lây lan, một số cư dân địa phương bắt đầu đưa ra những cáo buộc kiểu "vơ đũa cả nắm" về vấn đề vệ sinh.

Tuần trước, một quan chức y tế cấp cao của chính quyền tên Raymond Ho nói các nhóm cư dân thiểu số là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng ở Hong Kong bởi thói quen "chia sẻ đồ ăn, thuốc lá, uống rượu và tán gẫu cùng nhau".

Trước sự phẫn nộ của người dân, Trưởng đặc khu Carrie Lam phải lên tiếng "chữa cháy", nói rằng chính quyền không coi dịch bệnh có liên hệ với yếu tố chủng tộc.

nha quan tai Hong kong anh 3

Một số chủ cửa hàng tụ tập yêu cầu chính quyền Hong Kong bồi thường. Ảnh: New York Times.

Trên mạng xã hội, không ít những bình luận so sánh cộng đồng người Nam Á với động vật, hay gọi họ là những kẻ nghiện rượu.

"Ở đây chúng tôi lao động chăm chỉ và đóng thuế, lý do gì mà chúng tôi lại bị cách ly khỏi Hong Kong?", Sushil Newa, một chủ nhà hàng Nepal tại khu vực phong tỏa, cho biết.

Trong khi đó, Giáo sư Wong cho rằng chính quyền đã không giao tiếp hiệu quả với khối cư dân Nam Á, gây ra những bối rối khi lệnh phong tỏa được ban bố. Nhà chức trách sau đó cho biết chính quyền có cử phiên dịch viên tới làm việc với người dân ở đây.

Một số người sống tại khu vực phong tỏa nói nhà chức trách có cung cấp thực phẩm nhưng lại không phù hợp với đặc điểm văn hóa tín ngưỡng của họ, như phát thịt lợn cho người Hồi giáo.

Mặc dù vậy, ông Newa cho biết ủng hộ việc áp đặt lệnh phong tỏa. Người đàn ông nói kiểm soát dịch bệnh quan trọng hơn so với việc nhà hàng của ông mất một chút thu nhập.

Chủ các doanh nghiệp tại khu vực phong tỏa cũng có quan điểm tương tự, nhưng họ muốn chính phủ cấp tiền bồi thường. Có những nhà hàng mất đi 60% thu nhập so với trước khi áp đặt lệnh phong tỏa.

Suốt thời gian đại dịch, các nhà hoạt động chỉ chích hoạt động cứu trợ của chính quyền Hong Kong không ngớt, bởi người mất việc làm không được hỗ trợ. Thêm vào đó, phần lớn khoản cứu trợ rơi vào túi giới chủ thay vì người lao động.

Một số công ty thậm chí nộp đơn xin trợ cấp chính phủ để đổi lấy không sa thải người lao động. Nhưng sau đó không ít người lao động tại những công ty này vẫn mất việc.

Một số người không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục làm việc suốt thời gian phong tỏa bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh.

Ho Lai-ha là một công nhân vệ sinh năm nay 71 tuổi. Bà Ho vẫn tiếp tục quét dọn đường phố, cống rãnh trong cuối tuần dù có cảnh báo đó là những nguồn lây bệnh.

"Tôi hơi sợ một chút, nhưng không có cách nào khác. Khu vực phong tỏa nhưng công việc của chúng tôi phải tiếp tục", bà Ho nói.

Hong Kong phong tỏa khu có 10.000 dân ở bán đảo Cửu Long

Chính quyền Hong Kong phong tỏa một khu vực ở bán đảo Cửu Long ngày 23/1 sau đợt bùng phát virus SARS-CoV-2, yêu cầu 10.000 cư dân phải ở nhà cho đến khi được xét nghiệm.

Giải cứu 11 thợ mỏ Trung Quốc bị kẹt dưới lòng đất 2 tuần

Nhóm thợ được đưa lên mặt đất thành công hôm 24/1 sau 2 tuần bị kẹt ở độ sâu 600 m dưới lòng đất. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm 9 người còn mất tích.

New Zealand có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sau hơn 2 tháng

Cơ quan Y tế New Zealand thông báo một trường hợp dương tính với virus corona ở ngoài điểm cách ly. Đây là ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại nước này kể từ tháng 11/2020.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm