Đây là lần đầu tiên Hong Kong phải áp dụng biện pháp như trên kể từ đầu đại dịch. Khu vực phải phong tỏa là khu Jordan đông dân, có nhiều người cao tuổi sống trong các căn hộ được chia nhỏ - nơi virus có thể lây lan dễ dàng. |
Chính quyền cho biết có 70 tòa nhà trong khu vực, vốn gần Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC), và đặt mục tiêu hoàn thành quá trình xét nghiệm trong 48 giờ, để người dân có thể đi làm vào ngày thứ hai 25/1, theo Reuters. |
Trong ảnh, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam (đi trước, áo đen, hai tay nắm vào nhau) tới thăm khu vực phong tỏa. Bà nói 50 điểm xét nghiệm tạm thời đã được dựng lên, và 3.000 nhân viên của chính quyền sẽ hỗ trợ. |
“Chúng tôi làm như vậy để xua tan nỗi lo của cư dân, vì có các lo ngại về ổ dịch, ảnh hưởng tới cuộc sống, tâm lý và công việc của mọi người”, bà Lam nói tại một buổi họp báo gần khu vực bị phong tỏa. |
Đến 13h (giờ địa phương) ngày 23/1, chính quyền nói đã xét nghiệm được khoảng 3.000 người trong khu vực phong tỏa. |
Khu vực này đã ghi nhận 162 ca mắc Covid-19 trong tháng này. Tỷ lệ virus phát hiện được trong mẫu chất thải từ các tòa nhà ở đây cao hơn ở các khu vực khác. Trong ảnh, nhân viên đang làm việc gần đường cống. |
Trong ảnh, người dân đang đăng ký xét nghiệm. Chính quyền ở Hong Kong, một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới, đã có những biện pháp quyết liệt để chống dịch Covid-19. |
Hiện tại, dịch vụ ăn uống bên trong nhà hàng bị cấm sau 18h. Các phòng tập, sân thể thao, salon làm đẹp và rạp phim phải đóng cửa. |
Tuần trước, Hong Kong gia hạn việc làm từ xa đối với công chức tới ngày 27/1. |
Trong ảnh, một cư dân đang đánh răng, nhìn xuống từ một tòa nhà trong khu bị phong tỏa. Hong Kong ghi nhận thêm 81 ca nhiễm SARS-CoV-2 ngày 23/1, nâng tổng số lên 10.010. Số ca tử vong cho đến nay là hơn 160 người. Ở đỉnh điểm của dịch hồi tháng 7/2020, số ca nhiễm theo ngày cao nhất là 149 ca. |