Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại lễ ra mắt sách 40 năm đi, yêu và viết. |
Với độ dày 600 trang, hồi ký 40 năm đi, yêu và viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chính thức ra mắt vào sáng 17/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), chính thức đánh dấu hành trình dài cầm bút của ông.
Thành công với thể loại phóng sự, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân như một thư ký đặc biệt trong thời kỳ đổi mới xã hội.
Lần “ăn Tết giữa rừng chó sói”, chui xuống hầm lò Mông Dương hay lang thang trong “chợ trời” ở Hà Nội để “tôi đi bán tôi” đều là những minh chứng rõ nhất cho hành trình làm phóng sự của ông, để từ đó tác giả chiêm nghiệm ra một điều: “không chỉ đi và viết mà còn phải yêu nữa”.
Là một nhà báo, người theo dõi thời đại, ông Huỳnh Dũng Nhân cũng đã nhận ra sự thay đổi của thể loại phóng sự báo chí.
Ông cho rằng phóng sự là viết về những vấn đề nóng đang gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi người làm báo phải dấn thân để mở rộng thông tin. Điều làm nên sự khác biệt của phóng sự so với các thể loại báo chí khác là vẫn còn thể hiện cái tôi, cảm xúc, nội tâm của tác giả trong những câu từ.
“Phóng sự cũng thay đổi theo dòng chảy của thời cuộc. Ngày nay, tư duy đọc báo thay đổi nên tư duy làm báo cũng phải thay đổi theo. Vì vậy, phóng sự cũng phải nhanh, ngắn hơn và nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên cũng trôi nhanh và tính tồn đọng không còn nhiều”, nhà báo chia sẻ.
Đánh giá về sự thay đổi của phóng sự báo chí hiện đại, “cây bút” Huỳnh Dũng Nhân cho biết thể loại này ngày càng sinh động hơn nhờ sử dụng đa phương tiện: “Phóng sự giờ không những có nhiều hình ảnh, âm thanh mà còn được thể hiện đa dạng, rất hút mắt”.
Tại buổi ra mắt 40 năm đi, yêu và viết, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng đã nhấn mạnh dù phóng sự báo chí có thay đổi, song vẫn có những giá trị cốt lõi nhất định. “Đó là niềm đam mê, sự yêu nghề, tinh thần dấn thân… Mong những người trẻ đam mê làm báo có thể được truyền động lực và tích luỹ được kinh nghiệm thông qua cuốn sách tâm huyết này”, cây bút phóng sự tâm sự.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trò chuyện về cuộc đời làm báo của tác giả. |
Cũng trong buổi trò chuyện, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá 40 năm đi, yêu và viết là một cuốn sách sinh động: “Khi đọc, độc giả có thể như được hòa mình vào trải nghiệm của chính nhà báo Huỳnh Dũng Nhân”.
Hồi ký gồm 4 phần: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, những bài viết lý luận báo chí, bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân (bao gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí...) với sự lồng ghép, đan xen, phân tích các yếu tố tác nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng.
Bạn đọc trải nghiệm hồi ký 40 năm đi, yêu và viết tại lễ ra mắt sách. |
Hồi ký được tác giả thực hiện từ đầu năm 2021 và rơi vào trạng thái dang dở khi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gặp tai biến phải nằm trên giường bệnh. Phần sau của cuốn sách được thực hiện vào cuối năm 2022, khi tác giả vẫn còn bị liệt nửa người và chủ yếu viết trên điện thoại.
Sách 40 năm đi, yêu và viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. |
Cuốn sách hướng đến những người yêu thích nghề báo, mê phóng sự, các nhà báo trẻ, sinh viên báo chí... Sách được viết dưới hình thức hồi ký, không thiên về lý thuyết mà mang yếu tố thực tiễn, những bài học nghiệp vụ và kinh nghiệm của nhà báo.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hóa. Ông lớn lên tại Hà Nội rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc từ năm 1975 tới nay.
Ông là tác giả của 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại phóng sự, truyện ngắn, thơ, hồi ký, truyện thiếu nhi và giáo trình, như Tôi đi bán tôi, Ăn Tết trong rừng chó sói, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (in chung với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)…
Huỳnh Dũng Nhân đã trải qua nhiều cương vị như nhà báo, giảng viên đại học, Phó trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo...