Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng Bầu Dục và lời hứa của các tổng thống Mỹ

Những tuyên bố hùng hồn của ứng viên Tổng thống Mỹ trong các cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao trước ngày bầu cử thường đổi hướng 360 độ sau khi người thắng cử bước vào căn phòng Bầu Dục, làm chủ Nhà Trắng.

Phòng Bầu Dục và lời hứa của các tổng thống Mỹ

Những tuyên bố hùng hồn của ứng viên Tổng thống Mỹ trong các cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao trước ngày bầu cử thường đổi hướng 360 độ sau khi người thắng cử bước vào căn phòng Bầu Dục, làm chủ Nhà Trắng.

Không chỉ là vấn đề tranh luận trong “vòng đối mặt” cuối cùng, chính sách đối ngoại còn là chìa khóa để các ứng viên tổng thống Mỹ có thể mở cánh cửa đi vào Nhà Trắng.

Chính vì lẽ đó, chính sách ngoại giao luôn được các ứng viên tổng thống Mỹ chau chuốt tới mức hoàn hảo, đủ sức duy trì hòa bình, ổn định cũng như khẳng định vị thế của Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiếm có ứng viên tổng thống nào thực hiện được những điều tốt đẹp đã hứa khi tham gia tranh cử.

Phòng Bầu dục, nơi làm việc của Tổng thống Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử năm 1992, ứng viên Đảng dân chủ Bill Clinton đã dùng chính sách ngoại giao, cụ thể là ngoại giao với Trung Quốc để giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha). Khi đó, Bill Clinton đã hứa đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu đắc cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, 6 tháng sau khi làm chủ phòng Bầu dục, Bill Clinton đã bỏ qua. Chính sách ngoại giao với Trung Quốc lại trở lại “như bình thường”, William Galston, cố vấn chính sách của cựu Tổng thống Clinton khẳng định.

Đặc biệt, Bill Clinton cũng chỉ là một trong rất nhiều ứng viên tổng thống Mỹ không thực hiện lời hứa đối với các chính sách ngoại giao đưa ra sau khi đắc cử. Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia về vấn đề quốc tế từng làm việc cho Nhà Trắng nói: “Lý do rất đơn giản là thế giới sẽ rất khác nếu nhìn từ phòng Bầu dục”.

Ông Galston chia sẻ: “Sẽ có sự khác biệt lớn khi bạn nhìn thế giới ở trong và ngoài Nhà Trắng”. Chính vì lẽ đó, không ít người cho rằng trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình sắp diễn ra, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney nên thận trọng về lời hứa.

Trong ngày 8/10 vừa qua, ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney hứa sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran, giúp đỡ lực lượng nổi dậy Syria và tăng cường mối quan hệ Israel - Mỹ cũng như những chính sách đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Robert Pastor, giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Mỹ, một cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Carter cho biết, ông Romney đang đi vào lối mòn hứa hẹn mà nhiều ứng viên tổng thống Mỹ từng trải qua.

Ngay cả đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng “hùng hồn hứa” trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008. Ông Obama ủng hộ các cuộc hội nghị mang tính khu vực với Syria và Iran, tham gia đàm phán ngoại giao với chính quyền của người tiền nhiệm George W.Bush (Bush con) đồng thời cam kết loại bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Tuy nhiên hiện nay, Syria đang chìm trong nội chiến, Iran tiếp tục là điểm nóng ở Trung Đông và Triều Tiên ngày càng chi nhiều tiền cho chương trình hạt nhân của nước này. Thậm chí, tuyên bố đóng cửa nhà tù ở vịnh Guantanamo, Cuba, của ông Obama ký 2 ngày sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vẫn không đủ sức ngừng hoạt động nhà tù này vì nhiều lí do, trong đó chủ yếu là vấn đề kinh tế.

Trên thực tế, có vô số những khác biệt trong thế giới của tổng thống Mỹ so với những gì mà ứng viên tổng thống hay bất kể người nào có thể nhìn thấy. Thế giới có thể tốt đẹp theo lời hứa của các ứng viên tổng thống nhưng điều đó không còn tồn tại khi họ lên nắm quyền chèo lái nước Mỹ, làm chủ căn phòng quyền lực.

Trịnh Duy

Theo Infonet

Trịnh Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm