Những phát ngôn ngớ ngẩn nhất trong tranh luận tổng thống Mỹ
Trong lịch sử các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, không ít ứng viên có những câu nói vạ miệng khiến họ mất điểm trầm trọng trong mắt cử tri.
Hỏi ý kiến của con gái 13 tuổi
Trong cuộc tranh luận tổng thống năm 1980 giữa đương kim tổng thống Jimmy Carter và đối thủ Ronald Reagan, Carter nói: "Tôi đã có một cuộc thảo luận quan trọng với con gái Amy. Trước khi đến đây, tôi hỏi con bé vấn đề gì là quan trọng nhất. Con bé rói rằng đó là việc kiểm soát vũ khí hạt nhân". Carter sau đó bị chế giễu vì muốn nhận lời khuyên chính trị từ cô con gái 13 tuổi. Nhờ việc sơ suất của Carter, Reagan chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.
"Fuzzy Math" và "Lockbox"
Trong cuộc tranh luận năm 2000, ứng cử viên Al Gore không ngừng tấn công kế hoạch thuế của đối thủ George W. Bush và cho rằng nó quá lãng phí. Đáp lại, Bush cho rằng Gore sử dụng phép tính mơ hồ (fuzzy math) và những con số giả mạo. Trong khi đó, Gore tiếp tục dùng từ ổ khóa (lockbox) để miêu tả việc nên tập trung tiền cho chương trình y tế mà không lãng phí vào việc khác. Trong cuộc tranh luận này, Gore lặp đi lặp lại từ "lockbox" 4 lần, trong khi Bush cũng nói từ "fuzzy math" 4 lần.
Tiếng thở dài của Gore
Trong cuộc tranh luận tương tự, trong khi George W. Bush đang trả lời các câu hỏi, thì người dự khán nhìn và nghe thấy tiếng thở dài nặng nề của Gore lặp đi lặp lại trên màn hình. Gore cũng đảo mắt, lắc đầu, và ngắt lời Bush giữa chừng. Ngoài ra, ứng cử viên tổng thống này còn phạm các lỗi về giới hạn thời gian trả lời. Đó chính là một yếu tố khiến Gore mất điểm và bị Bush đánh bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm đó.
"Bà cũng dễ thương đấy, Hillary”
Trong cuộc tranh luận để trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Đân chủ năm 2008, ông Barack Obama và bà Hillary Clinton có cuộc tranh luận nảy lửa ở New Hampshire. Khi được hỏi phản ứng thế nào trước việc người dân New Hampshire thích ông Obama hơn, bà Hillary nói đùa: "Ồ, điều đó khiến tôi đau lòng...". Ngay lúc đó, ông Obama chen ngang và nói: "Bà cũng đáng yêu đấy, Hillary". Phát biểu đó của Obama bị chê là khiếm nhã và ra vẻ bề trên.
“Chiến tranh Dân chủ”
Trong tranh luận giữa 2 ứng cử viên phó tổng thống Bob Dole và Walter Mondale năm 1976, Dole phạm sai lầm khi phát biểu rằng: "Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên đều là những cuộc "chiến tranh dân chủ". Ông nói tiếp, nếu tính tổng số người bị giết và bị thương trong các cuộc chiến tranh dân chủ thế kỷ này, sẽ có khoảng 1,6 triệu người Mỹ, đủ để lấp đầy thành phố Detroit". Đối thủ Mondale sau đó cho biết, chính nhờ bài phát biểu "Chiến tranh Dân chủ" của Dole đã giúp ứng cử viên Jimmy Carter thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.
"Tôi là ai? Sao tôi ở đây?"
Năm 1992, Ross Perot, một doanh nhân Texas tham gia chạy đua chức Tổng thống Mỹ với tư cách là ứng cử viên độc lập. Người đồng hành là James Stockdale nổi tiếng với câu nói lịch sử trong bài phát biểu. Ông này nói: "Tôi là ai? Tại sao tôi ở đây? Tôi không phải là một chính trị gia, mọi người đều biết điều đó. Vì vậy đừng mong chờ tôi sử dụng ngôn ngữ của chính khách". Với bài phát biểu vô duyên đó, ông này bị loại ngay khỏi cuộc đua chức tổng thống Mỹ.
Sự đãng trí của Rick Perry
Trong cuộc tranh luận trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa năm ngoái, thống đốc Rick Perry liệt kê ra 3 cơ quan mà ông sẽ cắt giảm nếu trở thành tổng thống. Khi bị phóng viên yêu cầu nêu tên cụ thể, Perry chỉ nhớ đó là Bộ Giáo dục và Bộ Thương mại, nhưng quên béng tên cơ quan thứ 3. Ông chỉ thốt ra được từ "Xin lỗi. Ôi trời". Do sự lơ đễnh này, Perry bị loại khỏi danh sách ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng.
Phản đối án tử hình
Trong cuộc tranh luận năm 1988, Thống đốc Michael Dukakis bị mất điểm và thua trong cuộc đua trước George H.W. Bush vì trả lời câu hỏi liên quan đến án tử hình. Dukakis được hỏi nếu có kẻ hiếp và sát hại người vợ Kitty, thì hắn ta có nên bị tuyên án tử hình hay không. "Không, tôi sẽ không yêu cầu án tử hình và tôi nghĩ các bạn biết rõ rằng tôi luôn phản đối án tử hình trong suốt cuộc đời mình", Dukakis trả lời. Phát biểu của Dukakis sau đó bị chỉ trích là lạnh lùng và qua đó, tỷ lệ ủng hộ cho ông cũng giảm mạnh.
Bình An
Theo Infonet