Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phơi nắng rát họng chào bán sữa, thu 3 triệu mỗi ngày

Để bán hết khoảng 300 chai sữa thực vật gồm 8 loại, nhóm bạn trẻ TP HCM phải có mặt tại địa điểm bán sữa từ 6h sáng, liên tục rao và chào mời khách đến hơn 10h.

Theo mô hình bán sữa thực vật của nhóm bạn trẻ TP HCM, cứ mỗi địa điểm có 2 bạn đứng bán. Các bạn chào bán sữa bằng cách rao, hô to các khẩu hiệu: “Tụi con bán sữa. Sữa nóng mỗi ngày. Hoặc chúc sức khỏe, ngày mới tốt lành tới người đi đường. Cứ như vậy, họ vừa bán vừa làm "hoạt náo viên" trên lề đường từ 6h đến 10h hàng ngày.

Rát họng chào bán sữa dưới nắng gắt

6h sáng cũng là lúc mọi người đổ ra đường đi làm. Trên con đường gần vòng xoay Dân Chủ (quận 3, TP HCM) thời điểm này xe đông nghẹt, nắng bắt đầu lên và gay gắt hơn. Giữa dòng xe cộ tấp nập, điểm bán sữa thực vật của một nhóm các bạn trẻ khá nổi bật với những bảng hiệu, những lời chào mời vui mắt. Những thành viên đứng bán bên xe sữa dường liên tục nói cười chào mời khách đi đường: “Tụi con bán sữa. Sữa nóng mỗi ngày”, "Tụi con chúc mọi người sức khỏe, chúc ngày mới tốt lành...

Thắng, một thành viên nhóm bán sữa trên đường Võ Thị Sáu cho biết: “Có thời điểm mình rao đều đặn 4 tiếng mỗi ngày và liên tục trong vòng 2 tuần dưới trời nắng. Hết 2 tuần, giọng mình khàn đi, da cũng đen hơn”.

phoi nang rat hong ban sua anh 1

Để thu hút sự chú ý của người đi đường, các thành viên vừa cầm bảng vừa chào mời khách mua sữa. Ảnh: Phạm Oanh. 

Cùng bán với Thắng, Quyên chia sẻ: “Lúc đầu đứng bán trước nhiều người đi đường mình cũng ngại, chỉ dám giơ cao tấm bảng “Tụi con bán sữa” mà không dám rao mời. Mọi người đi qua, có người hào hứng, vui vẻ đón nhận, nhưng cũng có nhiều người nhìn tụi mình với ánh mắt kì dị. Hơn nữa, xe cộ đi lại đông, ồn ào, khói bụi nhiều lại thêm trời nắng nóng. Mình mới bán được vài buổi nhưng da đã đen hơn và nổi mụn rồi”, Quyên cười.

Theo Thắng, nhóm có ba quầy tại ba điểm trong thành phố, quầy Võ Thị Sáu bán khoảng 70 chai sữa mỗi buổi sáng. Tùy theo lượng khách hàng từng ngày mà thời gian bán ngắn hay dài, nhưng trung bình là không dưới 2 tiếng và đến 10h mới  ngưng. Những ngày đầu số lượng bán chưa cao, sữa dư lên đến hơn 20 chai. Tất cả sữa dư nhân viên sẽ uống, vì không để được đến ngày hôm sau, Thắng cho biết.

Nguyễn Thanh Trà (sinh năm 1993), một trong những người thành lập nhóm bán sữa thực vật này cho biết, ban đầu các thành viên tham gia bán không ai chịu rao vì e ngại, vì vậy mà khách hàng không nhiều. Để người đi đường chú ý, nhóm phải nghĩ ra cách làm bảng với những lời rao vui nhộn, tình cảm, rồi giơ cao để người đi đường nhận thấy từ xa. Ngoài ra, thành viên đứng bán cũng phải vui vẻ, hoạt náo để điểm bán sôi động, rộn ràng, dễ hút khách.

"Tụi con bán sữa" thu 3 triệu đồng một ngày

Ý tưởng kinh doanh sữa thực vật bắt nguồn từ sở thích uống sữa bắp của nhóm bạn trẻ này. Nhận thấy trên thị trường đa số các điểm bán sữa là các sản phẩm công nghiệp, có sử dụng chất bảo quản, nhóm quyết định thử nấu sữa bán cho người quen để thăm dò thị trường. Thấy kết quả dần khả thi, các bạn tiếp tục thử sức với số lượng ngày một nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi số lượng sữa tăng lên cũng là lúc phát sinh nhiều vấn đề mới. “Những ngày đầu chất lượng sữa không đồng đều, đợt bị tách lớp, đợt bị hư rồi bị đắng, chua. Tình trạng này kéo dài mất 2-3 tháng. Có thời điểm nhóm ngưng hoạt động, đi khắp các điểm bán sữa thực vật trong thành phố để thử và rút kinh nghiệm. Cuối cùng, tụi mình cũng tìm được một địa điểm sản xuất sữa ngon với kinh nghiệm 5 năm để hợp tác sản xuất sữa sạch”, Trà chia sẻ.

Nhưng giải quyết được chất lượng sữa thì lại mắc phải khó khăn về đầu ra. Một quầy bán được đưa vào thử nghiệm, song mỗi ngày chỉ bán được vài chai, thậm chí cao nhất chỉ hơn 10 chai. Sữa nấu ra chỉ bán trong ngày nên số tồn nhân viên phải uống, không hết thì đành bỏ đi. Đỉnh điểm có ngày phải bỏ đến 200 chai sữa.

Sau tình trạng ế ẩm kéo dài hơn một tháng, các bạn phải mang từng chai sữa đi gõ cửa nhà quen để bán, mong mở rộng thêm khách, giải quyết hàng dư. Nhưng phương pháp này không kéo dài được lâu vì tốn thời gian và mất nhiều công sức.

Sau nhiều lần họp mặt, nhóm quyết định thử lập các điểm bán ven đường, rao bán. Ý tưởng được thực hiện và có kết quả, doanh số tăng 30%, vượt mức dự kiến. Nhưng chỉ được thời gian đầu, người đi đường đang dần quen với hình ảnh này, nhiều người không còn chú ý.

phoi nang rat hong ban sua anh 2

Nguồn thu từ bán sữa của nhóm đạt bình quân khoảng 3 triệu mỗi ngày. Ảnh: Phạm Oanh.

Cuối cùng, nhóm quyết định thiết kế bảng biểu với lời rao vui nhộn, chủ lực là “Tụi con bán sữa”, kèm theo lời mời, câu chào vui vẻ, hài hước, nhân viên bán mạnh dạn cầm bảng giơ cao gây chú ý. Từ tấm bảng "Tụi con bán sữa", nhiều người tò mò đứng lại xem, hỏi thăm rồi chụp hình. Nhờ vậy mà lượng người biết đến tăng, doanh thu cũng từ đó tăng theo.

Khi doanh thu tăng, nhóm cũng mạnh dạn thực hiện các chương trình khuyến mại như mua 10 chai tặng 1 chai, hoặc bốc thăm nhận quà. Hiện tại, trung bình mỗi ngày nhóm bán khoảng 300 chai với 8 loại như sữa đậu xanh, đậu nành, hạt sen,…  Giá các loại sữa dao động 8.000 - 14.000 đồng/chai, doanh thu hơn 3 triệu đồng một ngày.

Trà cho biết, nhóm nấu sữa có bếp tập trung tại Gò Vấp, phải dậy từ 1h nấu và hoàn tất các khâu trước 5h. Sau đó, sữa được vận chuyển đến 3 quầy tại các quận khau nhau của thành phố để bán. Các quầy bán đến 10h thì ngưng. Mỗi tuần, nhóm sẽ họp để rút kinh nghiệm. Những khó khăn về sức khỏe, khách hàng hay việc rao bán có vấn đề gì sẽ được giải quyết nhanh.

Nhóm bạn trẻ này còn có tham vọng sẽ xây dựng xưởng sản xuất chuyên nghiệp hơn bằng nguồn lực tự có và mời gọi nhà đầu tư hỗ trợ. Xưởng sản xuất trong tương lai sẽ là đầu mối vừa sản xuất trực tiếp, vừa bán lẻ và cung cấp cho các quầy hàng vệ tinh theo mô hình cụm, mỗi quận sẽ có vài cụm bán. Trong đó, một quầy sẽ chịu trách nhiệm phân phối đến những quầy xung quanh trong cụm. Các bạn cũng dự định mở các cửa hàng khi sữa khẳng định được thương hiệu và được nhiều người biết đến hơn.

 

 

Phạm Oanh

Bạn có thể quan tâm