Sau 5 năm làm việc cho 10 công ty ở nhiều vị trí khác nhau, từ kinh doanh cho đến marketing, Trần Đăng Khoa quyết định tự kinh doanh riêng.
Sóng gió khởi nghiệp
Rời TP.HCM để trở về Nha Trang với tầm bằng Cử nhân Ðại học Kinh tế, năm 2005, Trần Ðăng Khoa khởi nghiệp với công ty đầu tiên mang tên Trăng Vàng. Dù có ý tưởng khác biệt là kinh doanh sữa trẻ em giao tận nhà, nhưng do chưa có kinh nghiệm, cộng với việc không xác định được thị trường, Trăng Vàng chẳng mấy chốc phá sản. Một năm sau, với tham vọng xây dựng hệ thống kinh doanh bánh chiên giống như bánh rán Donut của Mỹ, ông Khoa lại thiết kế xe bánh rán đặt tại nhiều ngã tư ở Nha Trang. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng không thành công.
Quyết tâm làm lại “thêm lần nữa”, năm 2007, Trần Ðăng Khoa quay lại TP.HCM và bắt đầu mở cửa hàng bán sữa đậu nành tươi, để rồi lại tiếp tục thất bại. “Một phần nguyên nhân là do ít vốn và kinh nghiệm kinh doanh chưa nhiều. Nhưng quan trọng hơn có lẽ vì tôi đã không theo đuổi tới cùng ý tưởng kinh doanh của mình”, ông Khoa tự nhận.
Ðóng cửa hàng sữa đậu nành tươi cũng là lúc cạn vốn, ông Khoa cùng vợ và 2 con, đứa lớn nhất mới có 2 tuổi, dắt díu nhau về lại Nha Trang, với suy nghĩ sẽ thành lập công ty phân phối thực phẩm chuyên các món đặc sản vùng miền. “Từng sống ở cả Sài Gòn lẫn Nha Trang, tôi thấy dân Sài Gòn có nhiều lựa chọn thực phẩm đặc sản, trong khi ở Nha Trang lại hiếm hoi. Rõ ràng đây là cơ hội tốt”, ông nói.
Nghĩ là làm, sau khi vay được 100 triệu đồng làm vốn, Trần Ðăng Khoa trả nợ, thuê nhà và thành lập công ty Trần Gia vào năm 2008. Dự định ban đầu là sẽ phân phối các món đặc sản Việt Nam trên cả nước, ông quyết định đặt thương hiệu cho các sản phẩm của mình là Dasavi, viết tắt của Đặc Sản Việt.
“Năm đầu tiên Trần Gia hoạt động cũng là thời điểm gần Tết, thế là tôi quyết định kinh doanh lạp xưởng tươi Cần Giờ và mắm tôm chua Gò Công. Các sản phẩm này được đưa vào Maximark Nha Trang và nhiều chợ trong thành phố”, ông kể. Cũng nhờ thời điểm thuận lợi mà Trần Gia kinh doanh khá thành công.
Một lần giao hàng tại Chợ Đầm (Nha Trang), Trần Ðăng Khoa nhận ra món đặc sản của Nha Trang là muối chanh ớt rất được du khách ưa thích. “Nhập đặc sản về bán ở Nha Trang được, tại sao mình lại không đưa đặc sản Nha Trang đến với mọi người? Tôi quyết định phải sản xuất muối chanh ớt bán cho khách du lịch và phân phối cả nước”, ông Khoa nhớ lại.
Dasavi là sản phẩm muối chanh ớt đầu tiên đặt chân vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam. |
Cuối năm 2009, Trần Gia bắt đầu sản xuất muối chanh ớt mang thương hiệu Dasavi. Ban đầu, do sản xuất hoàn toàn bằng máy sinh tố nên sản phẩm làm ra không mịn và bị phân lớp sau vài ngày. “Hàng bị trả về liên tục. Có ngày vợ chồng, mẹ và em gái út của tôi phải súc rửa hàng trăm chai, tay cảm giác như phồng, nóng rát rất khó chịu”, ông chia sẻ.
Cuối cùng, để có được 2 loại sản phẩm muốt chanh ớt xanh và đỏ đúng chất Nha Trang, Trần Gia đã phải điều chỉnh công thức hàng chục lần theo phản hồi của khách hàng và các thành viên trong gia đình.
Đặc sản xuất ngoại
Thời gian đầu ra thị trường, muối chanh ớt Dasavi ký hợp đồng với Maximark Nha Trang, mỗi tuần siêu thị thanh toán tiền một lần. Ngoài ra, sản phẩm này còn bán ký gửi tại các sạp hải sản khô cho khách du lịch ở Chợ Đầm. Lúc đó, Dasavi chính là sản phẩm muối chanh ớt đầu tiên phân phối tại hệ thống siêu thị.
Sau một thời gian, ông Khoa bỏ ra 1 tỷ đồng đầu tư máy móc và nâng sản lượng muối chanh ớt Dasavi. Từ mức tiêu thụ vài ngàn chai ban đầu, hiện nay, mỗi tháng Trần Gia bán ra 70.000 chai muối chanh ớt Dasavi. Hệ thống đại lý của công ty cũng đã trải dài từ Hà Nội tới miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Ông Khoa còn cùng vợ tự đi tìm đại lý ở một số thị trường như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đà Lạt hay Cần Thơ...
Quyết tâm theo đuổi và kiên trì chào hàng, đến năm 2011, muối chanh ớt Dasavi đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Maximark, Satramart trên toàn quốc, cùng với nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi như Co.opfood hay Satrafood. TP.HCM là thị trường tiêu thụ đặc sản muối chanh ớt Dasavi mạnh nhất cả nước.
Từ năm 2012, Trần Gia đã bắt đầu có lợi nhuận từ sản phẩm muối chanh ớt Dasavi, dù còn ít. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm là hơn 100%. Theo ông Khoa, mục tiêu tăng trưởng doanh thu của muối chanh ớt Dasavi trong năm 2015 là 50%.
Tuy doanh thu Trần Gia chỉ mới dừng lại mức vài chục tỷ đồng, nhưng Trần Ðăng Khoa vẫn tỏ ra rất hào hứng khi đề cập đến viễn cảnh kinh doanh. “Thị trường muối chanh ớt rất tiềm năng. Dân số Việt Nam khoảng 90 triệu, tương đương 20 triệu hộ. Nếu tiếp thị tốt, bình quân tiêu thụ đạt 5 chai/hộ/năm thì tổng doanh số sẽ không hề nhỏ. Có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng”, ông Khoa tính toán.
Muối chanh ớt Dasavi đã có mặt tại Hồng Kông, Đài Loan, Canada, Úc... Ngoài ra, theo đại diện Trần Gia, một số đối tác tại Nhật và Trung Quốc cũng đang thăm dò nhu cầu thị trường bản địa để quyết định nhập hàng của công ty. Gần đây, một nhà phân phối từ Hồng Kông bày tỏ ý định muốn trở thành đại lý độc quyền phân phối muối chanh ớt và sốt ớt me Dasavi tại thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Dù vậy, ông Khoa vẫn chưa chấp nhận, vì muốn tập trung phát triển thị trường trong nước rồi mới tính tới xuất khẩu.
Sốt ớt me Dasavi nhắc đến ở trên chính là sản phẩm mới nhất của Trần Gia, vừa được tung ra thị trường hồi tháng 8./014. “Khi làm món cua rang me, người chế biến phải cần có nước cốt me, tương cà, tương ớt và nhiều gia vị khác khá phiền toái. Vì thế, tôi nảy sinh ra ý tưởng kết hợp tương cà, tương ớt, me, nước mắm để tạo ra sốt ớt me. Ðảm bảo không chất bảo quản hay bột ngọt, màu, đường hóa học...”, ông Khoa khẳng định.
Niềm tin của vị doanh nhân trẻ với sản phẩm mới dường như đã được kiểm chứng. Vừa ra mắt, Co.opmart và Maximart tại TP.HCM đã nhập thêm 4 đơn hàng sốt ớt me Dasavi mới chỉ sau tháng đầu tiên. “Ít có doanh nghiệp lớn muốn vô lĩnh vực này, nên tôi sẽ tiếp tục gắn bó với muối chanh ớt”, ông cho hay.