Sàn giao dịch không bảng điện
Cách Tết 2 tuần, khu vực này càng ảm đạm hơn khi nhiều nhà đầu tư đóng tài khoản ăn Tết sớm. Sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên mà tôi tìm đến là của Công ty chứng khoán S. Nơi đây từng một thời không có chỗ chen chân, thậm chí để hạn chế nhà đầu tư, công ty chứng khoán này còn ra điều kiện, chỉ cho nhà đầu tư có tài khoản trên 100 triệu đồng giao dịch.
Bước vào trong, cả sàn giao dịch rộng trên 100 m2 nhưng chỉ có một vài nhà đầu tư lớn tuổi trầm ngâm ngước nhìn lên bảng điện phía trước. Nhân viên ngồi trong quầy giao dịch thì dán mắt vào màn hình máy tính hoặc trò chuyện với đồng nghiệp. Không khí lặng lẽ cộng với ánh sáng chính của sàn phát ra từ bảng điện càng khiến cho không gian của sàn giao dịch trở nên u ám hơn.
"Phố Wall" Sài Gòn trong những ngày Tết Ất Mùi, đã có một thời trên đoạn đường này quy tụ hơn 30 công ty chứng khoán và hàng loạt công ty tài chính, ngân hàng khác. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Khi biết tôi có ý định mở tài khoản, nhân viên môi giới ở đây ban đầu tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng sau đó nhiệt tình chỉ dẫn cách mở tài khoản và cách thức mua bán. Sau khi hoàn thành thủ tục, cô nhân viên môi giới tư vấn, bây giờ là thời điểm tốt để anh mua vào, và không quên chúc tôi may mắn. Ngay khi cô nhân viên môi giới đi khỏi, một nhà đầu tư ngồi yên lặng nãy giờ buông câu thở dài: “Không dễ ăn đâu, bỏ tiền vô chơi đi rồi biết…”.
Rời Công ty chứng khoán S., tôi bước sang sàn giao dịch của Công ty chứng khoán F., một trong những sàn giao dịch có đông nhà đầu tư bám sàn nhất tại khu Phố Wall Việt Nam. Tuy nhiên, đập vào mắt tôi là khung cảnh vắng lặng khác thường của một sàn giao dịch chứng khoán. Nếu sàn giao dịch của Công ty chứng khoán S. còn có nhà đầu tư theo dõi, thì sàn giao dịch của Công ty chứng khoán F. vắng hoe. Thậm chí, bảng điện tử cũng không có, thay vào đó là 2 cái laptop được đặt ngay trên quầy để nhà đầu tư giao dịch.
Khi được hỏi tại sao không có bảng điện tử, một nhân viên ở đây cho biết, trước đây nhà đầu tư đến sàn nhiều nên công ty còn bật bảng điện, nay đa phần nhà đầu tư chuyển sang giao dịch trực tuyến nên không ai tới bám sàn nữa. Để tiết kiệm chi phí, công ty cắt luôn bảng điện. Nếu có nhu cầu thì nhà đầu tư có thể sử dụng 2 cái laptop kia.
Tuy nhiên, theo nhân viên ở đây, rất hiếm khi nhà đầu tư sử dụng 2 laptop này. “Có chăng là sau khi đến nộp hoặc rút tiền họ mới sử dụng máy để kiểm tra lại tài khoản thôi”, một nhân viên giao dịch cho biết.
Tương tự, các sàn giao dịch trên khu vực một thời được mệnh danh là Phố Wall cũng hết sức đìu hiu. Nhà đầu tư, người thì hờ hững nhìn bảng điện, người thì bấm điện thoại, còn nhân viên nhỏ to bàn chuyện mua sắm, thưởng Tết.
Thua là chính
Lấy lý do mới tham gia đầu tư nên muốn tìm hiểu thêm về thị trường chứng khóan, tôi bắt chuyện với một nhà đầu tư tên Q. tại sàn giao dịch của Công ty chứng khoán B. Anh cho biết, đợt sóng đầu năm 2014, anh lãi hơn 200 triệu đồng, nhưng sau đó thua đậm từ giữa năm đến nay. Thậm chí, đến thời điểm hiện nay, tài khoản của anh đã bốc hơi 40% trong những đợt thị trường lao dốc, vì các sự kiện Biển Đông trong tháng 5 hay vụ bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương trong tháng 10.
Theo anh Q., thị trường chứng khoán Việt rất khó chơi, vì nó diễn biến không tuân theo bất cứ quy luật nào. Mỗi khi có thông tin xấu là mọi người lại nháo nhào bán tháo. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 27/1 vừa qua, khi thị trường râm ran tin đồn về ông Đặng Văn Thành. Ban đầu nhà đầu tư chỉ bán ra cổ phiếu của Sacomreal, nhưng sau đó lại tháo hàng trên diện rộng, khiến cho cả thị trường bị vạ lây. Anh Q. đúc kết: “Chơi chứng khoán ở Việt Nam thì hay dở gì cũng thua, chỉ có người may mắn là thắng”.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nay đã bỏ nghề nói vui, thị trường chứng khoán giống như một cỗ máy xay tiền và xay nhân tài. Thắng thì không bao nhiêu nhưng thua thì bán nhà, vì tiền bỏ vào bao nhiêu cũng không đủ. Bao người học ở Tây về với bằng nọ, bằng kia cũng thua "chổng vó" ở thị trường này.
Tóm lại, ở thị trường này, muốn lấy dẫn chứng viết bài về những nhà đầu tư "tán gia bại sản" thì không thiếu, nhưng tìm đỏ mắt cũng không ra người thành công.
“Phố Wall” là một khu vực hình chữ nhật có diện tích khoảng 150.000m2: hai cạnh chiều dài là đại lộ Hàm Nghi và Bến Chương Dương, hai cạnh chiều rộng là đường Hồ Tùng Mậu và Phó Đức Chính.
Thời hoàng kim, 12 lượng vàng SJC cho 1 m2 đất nhà phố là mức giá mà nhiều người sẵn sàng trả cho các căn nhà diện tích chỉ 4x16 m có tuổi đời trên dưới 50 năm ở đường Nguyễn Công Trứ, con đường khiêm tốn 2 làn xe.
Trên đường này và khu vực lân cận có hơn 30 sàn giao dịch của các công ty chứng khoán. Trong đó, chỉ một đoạn 500 m trên đường Nguyễn Công Trứ là bộ mặt của các công ty chứng khoán như Bảo Việt, Đông Á, BSC, Sài Gòn, Tầm nhìn, Đại Việt, Phương Đông, Nông nghiệp…
Ngoài ra, tại đây còn có một loạt công ty tài chính, ngân hàng khác như Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo Việt, Ngân hàng BIDV, Việt Á, Ngân hàng Nông nghiệp… và Văn phòng đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.