Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ vào giữa phiên giao dịch ngày 24/5. Tính đến 13h30 (giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 235 điểm, tương đương 0,71%, còn 32.820,51 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 33,14 điểm, tương đương 0,8%, xuống 4.112,34 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ mất tới 108,9 điểm, tương đương 0,87%, còn 12.452,2 điểm.
Các thị trường đỏ lửa sau phát biểu mới nhất của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy về cuộc thảo luận với Nhà Trắng liên quan đến trần nợ công.
Các cuộc đàm phán vẫn bế tắc
Theo CNBC, mới đây, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các cuộc đàm phán với Nhà Trắng vẫn bế tắc do những bất đồng về chi tiêu. Hai bên chưa thể tiến đến gần một thỏa thuận dù chỉ còn 8 ngày nữa, chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với một vụ vỡ nợ chưa từng có.
Đảng Cộng hòa ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu để tăng trần nợ. Nhưng phía Nhà Trắng chỉ muốn tăng trần nợ và khẳng định 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.
Trong khi Mỹ đang tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ, đẩy nền kinh tế vào hỗn loạn, ông McCarthy đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì trì hoãn. "Và giải pháp ở đây là cắt giảm chi tiêu so với năm ngoái", ông nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tại Điện Capitol.
Mối lo ngại đang gia tăng. Ngày càng nhiều người nghi ngờ về việc liệu ông McCarthy và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đạt được một thỏa thuận cần thiết nhằm thông qua dự luật nới trần nợ công trước ngày 1/6 hay không.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các cuộc đàm phán về trần nợ với Nhà Trắng vẫn mắc kẹt trong những bất đồng về chi tiêu. Ảnh: Bloomberg. |
Các quan chức đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm giảm thâm hụt ngân sách 4.800 tỷ USD trong 10 năm. Dự luật sẽ cắt giảm chi tiêu tùy ý xuống mức của năm ngoái, và đặt giới hạn tăng chỉ 1%/năm.
Dự luật cũng rút lại hàng tỷ USD chi tiêu chưa được sử dụng trong thời kỳ đại dịch, loại bỏ các khoản miễn thuế nhiên liệu sạch được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi năm ngoái. Kế hoạch xóa nợ cho hàng triệu cựu sinh viên của tổng thống Mỹ cũng bị đảo ngược.
Không rõ đảng Dân chủ sẽ làm cách nào để nới trần nợ. Nhưng họ cho rằng việc cắt giảm ngân sách có thể làm tổn thương các hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Bởi chi tiêu nội địa có khả năng bị cắt giảm.
Moody's Analytics ước tính dự luật của đảng Cộng hòa sẽ thổi bay 780.000 việc làm chỉ riêng trong năm tới.
Thị trường tài chính căng thẳng
Hôm 24/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đã nhận thấy "những căng thẳng trên thị trường tài chính". Nguyên nhân là mối lo về việc Mỹ có thể lần đầu vỡ nợ.
Tại một sự kiện của Wall Street Journal, bà Yellen cho biết những căng thẳng liên quan đến trần nợ đang ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Những dấu hiệu căng thẳng này là lời cảnh báo về tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận kịp thời
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
"Những dấu hiệu căng thẳng này là lời cảnh báo về tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận kịp thời", bà nhấn mạnh.
Bà Yellen đã liên tục kêu gọi Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nhanh chóng đạt được thỏa thuận về trần nợ công. Nếu không, nước này khó trụ tới giữa tháng 6.
"Các khoản thu và chi thuế luôn không chắc chắn. Vì vậy, rất khó để đưa ra một dự đoán chính xác", bà Yellen khẳng định trong một chương trình của NBC hôm 21/5.
"Nhưng theo đánh giá của tôi, đến ngày 15/6, khả năng chúng ta có thể tiếp tục thanh toán các hóa đơn là rất thấp", vị bộ trưởng cảnh báo.
Nhưng sau một tuần họp liên tục, nguồn tin của CNBC cho biết khoảng cách giữa những gì đảng Cộng hòa tại Hạ viện mong muốn, và điều mà Nhà Trắng sẵn sàng chấp thuận, vẫn lớn hơn bao giờ hết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.