Các quan chức thân cận cho biết cuộc nói chuyện giữa ông Pence và bà Harris diễn ra trong bầu không khí lịch sự và tốt đẹp, Reuters đưa tin ngày 16/1.
Đây là lần đầu tiên hai người nói chuyện kể từ sau cuộc tranh luận cuối năm ngoái, cũng là tương tác cấp cao duy nhất giữa chính quyền hiện tại với nhóm của ông Biden.
Qua cử chỉ này, ông Pence dường như đang lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Tổng thống Trump từ bỏ.
Đến nay, ông Trump vẫn chưa gọi điện cho ông Biden để chấp nhận thất bại. Theo thông lệ, ông Trump đáng ra phải chủ động mời ông Biden tới Nhà Trắng sau cuộc bầu cử và đề nghị giúp đỡ.
Ông Trump lại một lần nữa phá lệ khi tuyên bố không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Thay vào đó, ông dự kiến rời thủ đô ngay trước khi ông Biden tuyên thệ vào ngày 20/1.
Ông Pence có vai trò nổi bật hơn cả trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Không chỉ chủ trì phiên họp quốc hội để chứng nhận ông Biden đắc cử, ông Pence còn dự các cuộc họp để chuẩn bị về an ninh cho lễ nhậm chức, và tới thăm lính Vệ binh Quốc gia đang bảo vệ thủ đô.
Ông cũng phải lên tiếng từ chối việc kích hoạt Tu chính án 25 mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi yêu cầu nhằm phế truất Tổng thống Trump.
Ông Mike Pence nói chuyến với lính Vệ binh đang canh gác Điện Capitol ngày 14/1. Ảnh: New York Times. |
Ông Pence và vợ, bà Karen, có thể mời bà Harris và chồng, Doug Emhoff, tới dinh phó tổng thống trước ngày nhậm chức 20/1.
Về phần mình, ông Trump dự kiến rời Washington vào sáng ngày 20/1. Báo New York Times bình luận đây sẽ là “cái kết trầm lắng cho một trong những nhiệm kỳ tổng thống hỗn loạn nhất lịch sử, nhưng chắc chắn không thiếu những sự phô trương mà ông Trump luôn đòi hỏi”.
Dù kế hoạch còn chưa rõ ràng, ông Trump hy vọng sẽ rời đi trong tiếng nhạc của ban nhạc quân đội, trong buổi lễ có thảm đỏ và đội danh dự.
Gia đình nhà Pence sẽ dự lễ nhậm chức của ông Biden. Tổng thống đắc cử từng nói sự có mặt của ông Pence là biểu tượng quan trọng của chuyển giao quyền lực hòa bình.