Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 12 bộ, ngành, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, từ 12/3 đến 21/7, đã có trên 68.000 văn bản gửi và hơn 203.000 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Có 62/95 bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/93 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh.
Vừa tiếp dân truyền thống, vừa tiếp dân qua mạng
Với tư cách thành viên Tổ công tác, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhận định các bộ, ngành vô cùng quan tâm đến xây dựng Chính phủ điện tử. Xây dựng được Chính phủ điện tử tốt sẽ tạo ra sự phát triển.
Về thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, ông Liêm chia sẻ do có những đặc thù nên việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gặp khó khăn, vướng mắc.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Tiền Phong. |
Ông dẫn chứng việc triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử, trong đó có tiếp công dân, xử lý đơn thư. Ngành thanh tra đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra một quy trình, nhưng "thực sự là khó".
“Vì đã tiếp dân là phải tiếp trực tiếp, nghe dân nói cụ thể, thậm chí nghe hết rồi vẫn còn khó khăn. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo thì có những vụ rất lâu, rất dài, phức tạp”, ông Liêm chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Thanh tra Chính phủ đang cố gắng triển khai, vì nếu thông suốt sẽ giảm tối đa việc người dân phải đi lại.
“Tinh thần là vẫn phải làm, vừa tiếp dân truyền thống, vừa tiếp dân qua mạng”, ông Liêm cho biết và nói thêm Thanh tra Chính phủ đã lấy ý kiến để xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng.
Tháng 9 sẽ cấp, đổi bằng lái xe qua mạng
Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết vào tháng 9/2019, Bộ sẽ triển khai thí điểm hai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia là thủ tục cấp giấy phép lái xe và đổi giấy phép lái xe. Từ tháng 11/2019, triển khai chính thức.
Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang nêu thực tế trong ngành, một số hồ sơ bản vẽ hiện trạng mặt bằng, bản vẽ thiết kế thi công rất dày, có dự án đề nghị thẩm định phải "chở cả một xe đến". Do nhiều bản vẽ nên đưa lên hệ thống trực tuyến khó đáp ứng về đường truyền, bản thân doanh nghiệp cũng ngại đầu tư.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục. Ảnh: Tuấn Vũ. |
Có nhiều văn bản Chính phủ và Thủ tướng đề nghị xây dựng Chính phủ điện tử đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng theo ông Quang, nếu không có hướng dẫn là làm liều, rất sợ. Nếu có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện sẽ đỡ phức tạp hơn.
Ông Quang chỉ ra rằng khi làm một phần mềm, có đơn vị chào giá vài trăm triệu đồng, có nơi chỉ mấy chục triệu nhưng lại không biết có đảm bảo an toàn, an ninh hay không, việc nâng cấp về sau như thế nào. Nếu thuê dịch vụ đắt tiền có thể bảo đảm an toàn nhưng lại khó xử lý trong vấn đề kinh phí.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa đáp ứng yêu cầu và những nhiệm vụ sắp đến hạn, tránh để nợ đọng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số; triển khai thực hiện ký số, bảo đảm đúng thể thức tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật).