Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với tỉnh Bình Định cùng cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ doanh nghiệp khẩn trương tổ chức thực hiện việc trục vớt các tàu thuyền bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn.
Nhiều tàu hàng chìm ở vùng biển Quy Nhơn trong bão số 12 đến nay vẫn chưa được trục vớt. Ảnh: Minh Hoàng. |
Phó thủ tướng yêu cầu, việc trục vớt phải tuân thủ theo quy định, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại khu vực.
Trước đó, ngày 4/11, nhiều tàu hàng neo đậu tại phao số 0 trên vùng biển Quy Nhơn bị sóng lớn nhấn chìm trong bão 12, khiến 11 thuyền viên bị chết và 5 người khác mất tích. Sự cố này đã khiến các tàu có tải trọng 30.000-50.000 tấn không ra, vào được cảng Quy Nhơn, khiến hàng nghìn container hàng hóa ùn ứ gây thiệt hại lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trước tình trạng ách tắc kéo dài sau sự cố tàu chìm trong bão số 12, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định tạm dịch luồng hàng hải Quy Nhơn về phía bên trái tàu Biển Bắc 16 bị chìm gây cản trở, mất an toàn cho khu vực ra, vào cảng. Công ty cổ phần nạo vét đường biển 1 được điều động đến hiện trường sử dụng các tàu hút, xả đáy chuyên dụng và gần 100 cán bộ, nhân viên gấp rút nạo vét giải phóng ách tắc cho luồng hàng hải Quy Nhơn.
Một tàu hàng mắc cạn trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sau 40 ngày ách tắc, cảng Quy Nhơn đã chính thức thông luồng hàng hải, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa bình thường như trước đây. Hiện UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án trục vớt 5 tàu, riêng tàu Jupiter vẫn chưa trình phương án trục vớt vì đang tìm kiếm 5 thuyền viên còn mất tích.
Do thời tiết xấu, biển động liên tục khiến việc trục vớt tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn đình trệ mãi đến nay.
Bão số 12 - Damrey (con voi) đổ bộ sáng 4/11 khiến 10 tàu chở hàng với hơn 100 thuyền viên gặp nạn tại khu vực cảng Quy Nhơn (Bình Định). Trong đó, 8 tàu chở hàng (6 tàu Việt Nam, 2 tàu nước ngoài) bị sóng lớn nhấn chìm. Hai tàu còn lại mắc cạn.
Thời điểm trước bão số 12, có 104 tàu chở hàng có nhu cầu vào cảng tránh bão. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn ưu tiên sắp xếp vị trí tàu đánh cá trước và 53 tàu hàng, còn lại 51 tàu buộc phải neo ở phao số 0 nên khi bão số 12 ập đến gây thiệt hại nặng nề.
Sau sự cố, Bình Định đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cứu sống 71 thuyền viên trôi dạt từ các tàu chìm. Vụ việc khiến 11 người chết, một số thuyền viên còn mất tích gây ra thảm họa ở cảng Quy Nhơn chưa từng có trong lịch sử hàng hải Việt Nam.