Những yêu cầu trên được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đặt ra khi chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vào sáng 15/8.
Đây cũng là vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua.
Không có tai nạn, sự cố hàng không nghiêm trọng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết trong 7 tháng đầu năm, an toàn hàng không cơ bản được đảm bảo tốt, không có tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B); các sự cố uy hiếp an toàn bay ở mức C cũng giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Liên quan đến tình hình thế giới, ông Lê Anh Tuấn cho biết trong tháng 3 vừa qua, sau các tai nạn tàu bay với loại Boeing 737 Max của hãng hàng không Lion Air và Ethiopia Airlines, Cục Hàng không Việt Nam chủ động theo dõi, nhanh chóng nắm bắt tình hình và kịp thời đưa ra quyết định cấm hoạt động khai thác tàu bay Boeing 737 Max trong không phận Việt Nam.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi, chờ kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn tàu bay, việc khắc phục đối với tàu bay Boeing 737 Max, kiểm nghiệm hoạt động khai thác loại máy bay này trên thế giới trước khi quyết định việc cho phép khai thác Boeing 737 Max tại Việt Nam.
Ghi nhận những kết quả trên, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá công tác bảo đảm an toàn hàng không tốt hơn giai đoạn cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B). Số lượng sự cố các mức C và D giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên, các sự cố liên quan đến vật ngoại lai (FOD) vẫn còn cao.
Công tác triển khai, thực hiện quy trình khẩn nguy cứu nạn trong mỗi sự cố xảy ra tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam có sự tiến bộ lớn.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019.
Điển hình như việc còn để xảy ra một số vụ như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không, như vụ hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên.
Không giành giật phi công trong nước
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đã nêu, Phó thủ tướng nhận định do lỗ hổng về pháp lý và thiếu tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.
Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó thủ tướng đánh giá việc này “có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá”.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình - Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia. Ảnh: VGP. |
Phó thủ tướng cho rằng phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, và yêu cầu không để xảy ra tình trạng giành giật phi công trong nước hay cạnh tranh không lành mạnh.
Cùng với đó, không quảng cáo quá năng lực của hãng hàng không; không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh.
Phó thủ tướng nhắc nhở phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải phối hợp để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông lưu ý các địa phương phải quản lý tốt địa bàn của mình, nơi nào tiềm ẩn nguy cơ thì phải phát hiện ngay. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho dân cư khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay để phòng ngừa, phát hiện, xử lý trường hợp nghi vấn sử dụng chất cháy, chất nổ và các phương tiện bay siêu nhẹ.