Theo Vietnam Airlines, việc nâng tầm hợp tác giữa hai hãng là bước tiến mới của hàng không Việt Nam và Mỹ kể từ khi Cục Hàng không Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận CAT1 về giám sát an toàn hàng không.
Hai hãng sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống vận hành trong tháng 9. Dự kiến từ tháng 10, sau khi hệ thống của Vietnam Airlines được đánh giá đạt tiêu chuẩn để đi vào hoạt động, Delta Air Lines sẽ triển khai bán vé các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác giữa Hà Nội - Tokyo để phục vụ hành khách có nhu cầu nối chuyến đến Mỹ.
Vietnam Airlines và hãng hàng không lớn thứ hai tại Mỹ - Delta Air Lines đã ký kết mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều dự kiến từ tháng 10. Ảnh: HVN. |
Đây là những bước đầu tiên để Vietnam Airlines thăm dò thị trường Việt Nam - Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.
Năm 2018, dung lượng thị trường Việt Nam - Mỹ đạt 757.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ. Hiện tại, chưa có hãng hàng không nào trên thế giới khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ.
Nói về dung lượng trên với Bloomberg hồi tháng 2, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng "đó là câu trả lời tốt nhất cho lợi ích của đường bay thẳng".
Tuy nhiên, theo ông Thành, "trong hàng không đường bay càng dài thì thách thức càng lớn". "Điều đó không quan trọng bằng việc chúng tôi chuẩn bị thế nào cho việc vận hành kỹ thuật. Hiện tại, chưa có máy bay phù hợp cho chuyến không dừng đó nên chúng tôi phải đợi khoảng 3 đến 4 năm cho tới khi máy bay A350-1000 hoặc Boeing 777x sẵn sàng vào năm 2022", ông Thành nói.
Trước đó Bamboo Airways cũng đã đưa ra thông tin về lộ trình thiết lập đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ. Lãnh đạo hãng cho hay đường bay này hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế nếu bán vé khứ hồi giá 1.300 USD cho khoảng 240 hành khách. Bamboo Airways công bố tham vọng triển khai đường bay này vào quý I/2021.