Chiều 5/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XII.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh đã sắp xếp, tinh gọn 124 phòng, ban, chi cục, đơn vị thuộc sở, ban, ngành đoàn thể... giảm được 109 lãnh đạo gồm 68 cấp trưởng và 41 cấp phó, tinh giản được 1.049 biên chế sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết.
Đến năm 2021, Lai Châu dự kiến sáp nhập 435 thôn, bản, tổ dân phố thành 217 đơn vị. Riêng năm nay, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập 57 bản, khu phố thành 28 đơn vị tại 5 huyện.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thành Chung. |
Về phát triển kinh tế, tăng trưởng bình quân 3 năm qua, Lai Châu ước đạt 16,63%/năm, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2016.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả tỉnh Lai Châu đạt được, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, các Nghị quyết của Trung ương.
Theo Phó thủ tướng, Lai Châu cần tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, cao su, táo mèo, mắc ca... ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có hiệu quả, gia tăng độ che phủ của rừng.
Đối với phát triển cao su, các bộ, ngành và tỉnh Lai Châu nghiên cứu cách thức phân chia lợi nhuận của hộ gia đình và công ty cao su, bảo đảm phát triển bền vững.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm bản du lịch ở huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Thành Chung. |
Sáng 5/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đến thăm bản du lịch người Mông ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nhân dịp Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch.
Sin Suối Hồ là một bản của 123 hộ người Mông thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Lợi thế về thiên nhiên và tận dụng đầu tư của nhà nước phát triển đường nông thôn đã giúp người Mông ở Sin Suối Hồ phát triển du lịch khám phá gần 4 năm qua. Hiện nay, cả bản có 10 hộ gia đình phát triển mô hình du lịch homestay, đủ khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú cho hơn 100 du khách/ngày đêm với giá 70.000 đồng/khách/đêm.
Ngoài du lịch thì hoa lan rừng, thảo quả… là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ với đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ. Vụ hoa lan năm 2017 đã mang lại doanh thu 2 tỷ đồng cho các hộ dân, đồng thời tạo nên cảnh quan rực rỡ, hỗ trợ cho phát triển du lịch của bản.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết mô hình du lịch của người dân bản Sin Suối Hồ đã lan ra nhiều bản, làng khác ở huyện Tam Đường và các huyện của tỉnh.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng Sin Suối Hồ, quản lý hơn 9 km biên giới Việt - Trung với 3 cột mốc biên giới.