Ngày 17/11, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về một
Cân nhắc sửa đổi nghị định xuất nhập ôtô
Phó thủ tướng đánh giá Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong kết nối thủ tục hành chính với cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, góp phần giảm thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Phó thủ tướng nêu ra thực trạng có nhiều đơn vị tuyên bố ủng hộ, tham gia cơ chế 1 cửa quốc gia nhưng trong quá trình thực hiện lại không ban hành các văn bản thực hiện như cam kết. Ảnh: Ngọc Tân. |
Bộ GTVT hiện có 255/481 dịch cụ công được thực hiện trực tuyến (cấp 3, 4), trong đó có 90 thủ tục cấp độ 4. Bộ đã cắt giảm được 80/134 danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành (chiếm 59,7%, vượt 19,4% so với yêu cầu của Chính phủ). Đến nay, Bộ GTVT đã có 82 thủ tục tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Liên quan đến thủ tục nhập khẩu ôtô, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GTVT và các Bộ, ngành góp ý sửa đổi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô theo hướng chỉ kiểm tra mẫu ôtô đại diện cho từng kiểu loại, đại diện cho từng kiểu xe đối với tất cả các lô hàng, thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết thời gian đầu các doanh nghiệp nhập khẩu gặp một số khó khăn nhất định do chưa nắm rõ quy định về chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu và lo ngại việc tăng thời gian, chi phí khi thực hiện kiểm tra theo từng lô hàng nhập khẩu.
Sau một năm triển khai, hầu hết ôtô từ các thị trường khác nhau cũng đã nhập khẩu về Việt Nam mà không gặp khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra, thử nghiệm theo lô trên thực tế cũng không quá phức tạp, tốn kém kinh phí và thời gian như phản ánh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nhật cho biết việc sửa đổi Nghị định 116 cần cân nhắc nguy cơ không kiểm soát được an toàn chất lượng linh kiện trên xe nhập khẩu, ảnh hưởng tới an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng.
"Kẽ hở là các doanh nghiệp nhập khẩu hàng loạt xe và chỉ chọn một lô đại diện (có thể là một xe có chất lượng tốt nhất của doanh nghiệp) để cơ quan kiểm tra, cấp chứng nhận và sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký các lô nhập khẩu sau với số lượng không hạn chế trong 3 năm", ông Nhật nêu vấn đề.
'Cắt là cắt, giảm là giảm'
Phó thủ tướng nêu thực trạng có nhiều đơn vị tuyên bố ủng hộ, tham gia cơ chế 1 cửa quốc gia nhưng trong quá trình thực hiện lại không ban hành các văn bản thực hiện như cam kết. Bên cạnh đó, còn có tình trạng "cắt bỏ điều kiện này lại đẻ ra điều kiện khác".
Cắt là cắt, giảm là giảm, không phát sinh thêm, không phải cắt chỗ này lại phình chỗ khác
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Đáp lại ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Với Bộ GTVT, cắt là cắt, giảm là giảm, không phát sinh thêm, không phải cắt chỗ này lại phình chỗ khác. Nếu đơn vị nào để ra tình trạng này chúng tôi sẽ truy trách nhiệm ngay".
Toàn bộ lãnh đạo Bộ GTVT có mặt trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Ngọc Tân. |
Mục tiêu chung của Chính phủ là đến 2020, tất cả thủ tục hành chính có liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia với hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Phó thủ tướng cho rằng cần loại bỏ dần việc “tiền kiểm” hàng hoá sang “hậu kiểm” dựa trên các nguyên tắc quản trị rủi ro. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lần sau cứ để hàng hoá của họ đi "luồng xanh". "Không doanh nghiệp nào dại dột mà lại để mất đi uy tín và quyền lợi của mình, thậm chí là bị truy tố hình sự".
"Nhưng cũng cùng loại hàng hoá bắt buộc phải kiểm tra ngay tại cửa khẩu chứ không thể hậu kiểm khi được lưu, phân phối trong nội địa được", Phó thủ tướng nhấn mạnh.