Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc gồm Oceanbank, CB, GPBank. Ảnh: Quốc hội. |
Sáng nay (20/5), Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Trong đó, Phó thủ tướng thông tin về tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài trước mắt đạt kết quả tích cực. Việc chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã hoàn thành.
"Hiện đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024", lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ DongABank, 3 ngân hàng CB, Oceanbank, GPBank sẽ được chuyển giao cho ngân hàng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Trước đó, tại cuộc họp cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4, CEO Ngân hàng Quân đội (MBBank) Phạm Như Ánh cho biết đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được nhà băng hoàn thành, hiện đã gửi NHNN trình Chính phủ.
Lãnh đạo MBBank bày tỏ mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra cơ hội tăng trưởng tín dụng".
Ngoài các ngân hàng yếu kém đang chờ phương án tái cơ cấu được duyệt, Phó thủ tướng cho hay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã triển khai cơ cấu lại. Tính đến cuối tháng 4, lỗ lũy kế của ngân hàng này giảm 20%; nợ xấu hạ 37,7% (tương đương 15.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đáng lo ngại. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết từ đầu năm đến nay tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, trong đó tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.
Trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.
Về giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Chính phủ cũng sẽ quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%.
Chính phủ cũng sẽ tập trung các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh và hướng tới chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tích cực tham gia và thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao; tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.
Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Chính phủ đề ra là triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7 và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.