Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này. Phó thủ tướng chia sẻ thành phố đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn trung bình cả nước, đến 2025 kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40% GRDP TP.HCM.
Ông Khái cho rằng kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. "Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực", Phó thủ tướng nói, đồng thời lưu ý TP.HCM 3 vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế số.
Đầu tiên là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực, kế đến là tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi với các mô hình kinh tế số thành công trên thế giới. Cuối cùng, Phó thủ tướng yêu cầu khi định hướng đã có, TP.HCM cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế.
Lãnh đạo TP.HCM nhận định các nền tảng kinh số đã giúp thành phố giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh và là động lực phát triển sau dịch của kinh tế TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ về những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế TP.HCM trong 2 năm qua cũng như những tín hiệu tích cực trong việc phục hồi đà tăng trưởng của thành phố.
"Quý I, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức 1,88%, so với mức -11,6% của quý IV/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước", ông Nên nhấn mạnh.
Theo ông Nên, dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM trong 2 năm qua mang tới tác động tiêu cực nhưng cũng bao gồm những cơ hội để doanh nghiệp toàn thành phố thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, người dân cũng dịch chuyển các hoạt động kinh tế lên môi trường số. Bí thư Thành ủy TP.HCM kỳ vọng diễn đàn thường niên này sẽ mang tới cho thành phố những ý tưởng mới, những ý kiến đóng góp giá trị từ các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Còn theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025, thành phố đã đề ra mục tiêu, trong đó có việc phát triển nhanh nền kinh tế số, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị để tạo động lực mới giúp kinh tế thành phố phục hồi và tăng trưởng sau dịch.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức, nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm trên địa bàn.
Sự kiện năm nay thu hút hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo của các tổ chức, định chế tài chính lớn như WB, IMF, IFC, ADB. Đặc biệt, diễn đàn năm nay có sự tham gia của các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Australia; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, doanh nghiệp.
Với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, thành phố kỳ vọng sẽ tìm kiếm được một mô hình chuyển đổi chuẩn cho quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả nguồn lực đầu tư mới để TP.HCM có bước đi đúng hướng, hiệu quả. Kinh tế số cũng được xác định sẽ là động lực tăng trưởng và phát triển của thành phố trong tương lai.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), quy mô thị trường kinh tế số của TP.HCM (khu vực lõi) ước đạt 191.768 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,27 tỷ USD.