Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Đa phương hóa để đứng vững trước các thách thức

Phó thủ tướng đề cao chiến lược ngoại giao đa phương và theo đuổi tự do thương mại của Việt Nam trước các thách thức như căng thẳng Mỹ - Trung và việc quân sự hóa trên Biển Đông.

Nếu không tăng cường được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, những lợi ích từ các hiệp định thương mại triển vọng như CPTPP có thể không được như trên giấy tờ.

Nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì trên Biển Đông, sẽ ảnh hưởng đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về mọi mặt như an ninh, tự do thương mại. Đó là những thông điệp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời phỏng vấn báo giới ngày 15/1 tại Hà Nội. Zing.vn trích đăng nội dung cuộc trao đổi.

Pho Thu tuong tra loi phong van ngoai giao anh 1
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Việt Linh.

Doanh nghiệp chưa tận dụng được các FTA

- Ngày 14/11, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, và hy vọng Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sớm được ký kết. Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thu hút đầu tư và mở rộng thương mại?

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đất nước ta thời gian qua đã đạt được những con số tăng trưởng hàng năm luôn cao, đặc biệt năm vừa rồi đạt 7.08%, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Một trong nhiều nguyên nhân là nhờ đối ngoại, thương mại, đầu tư đã đóng góp hết sức tích cực vào phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa nền kinh tế của ta rất mở. Hiện nay tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp đôi GDP, chứng tỏ nền kinh tế của ta rộng mở so với các nền kinh tế trên thế giới.

Chúng ta đã hết sức quan tâm đến tự do thương mại, đầu tư. Cho đến nay chúng ta đã có trên 16 hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang thảo luận, ký kết. Các hiệp định đó đã tăng cường thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

CPTPP là hiệp định tư do thế hệ mới, có cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Theo tính toán, CPTPP có thể mang lại tăng trưởng trên 1.3% cho GDP, hay xuất khẩu chúng ta có thể tăng trên 4%, kéo theo nhiều công ăn việc làm.

Đó là cơ hội, nhưng vẫn còn thách thức là phải tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Dù là hiệp định CPTPP hay EVFTA, nếu tận dụng được mới có những lợi ích đó. Điều hết sức quan trọng là mở ra thị trường mới, khả năng cạnh tranh của chúng ta cũng sẽ tăng lên. Vì được thuế về 0% có nghĩa chúng ta cũng phải dành cho doanh nghiệp các nước thuế 0%. Thách thức và cơ hội luôn đan xen nhau. Trước đây, chúng ta đã có nhiều hiệp định thương mại, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do đã có từ lâu trong ASEAN, với một thị trường trên 650 triệu dân, nhưng doanh nghiệp của ta chưa tranh thủ được.

Sang năm 2019, chúng ta phải thực hiện toàn bộ cam kết của ASEAN bao gồm cắt giảm thuế về 0%, cạnh tranh sẽ cao hơn. Kinh nghiệm là ngay từ đầu chúng ta phải tận dụng được các hiệp định thương mại thì mới có thể giành được thuận lợi.

Pho Thu tuong tra loi phong van ngoai giao anh 2
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sáng ngày 15/1 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

- Việt Nam có chuẩn bị như thế nào khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung được dự kiến sẽ rất căng thẳng, có thể dẫn tới chiến tranh thương mại?

- Như tôi đã nói, nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế mở. Tác động kinh tế bên ngoài đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam. Nếu chiều hướng thuận sẽ tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển. Nếu tác động ngược sẽ gây cản trở. Hiện nay kinh tế chúng ta đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khá sâu, chúng ta không mong muốn những căng thẳng thương mại có thể tác động tới các nước khác.

Hiện nay có nhiều đánh giá về tác động của xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc .Nếu tiếp tục như hiện nay hoặc nếu 2 nước này áp thuế bổ sung, GDP toàn cầu có thể bị thiệt hại tới 500 tỷ đô-la. Chúng ta đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tức các mặt hàng của chúng ta hiện nay đang ở trên toàn cầu, đương nhân nếu kinh tế, thương mại toàn cầu giảm, chúng ta cũng bị tác động. Phải làm sao để nền kinh tế chúng ta chống chọi được với những cú sốc bên ngoài, cần có những điều chỉnh, để chúng ta tiếp tục phát triển, nhưng vừa phải tìm cách ứng phó, chống chọi được không chỉ trước cạnh tranh Mỹ - Trung, mà còn cạnh tranh giữa các nước khác với nhau trong tương lai.

“Việc quân sự hóa các đảo đá khiến các nước lo ngại”

- Tình hình Biển Đông được đánh giá là phức tạp, trong đó có việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa các đảo. Phó Thủ tướng có thể cho biết quan điểm của Việt Nam?

- Biển Đông vẫn là vấn đề quan tâm hết sức lớn, không chỉ chúng ta, mà còn các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì tình hình Biển Đông dù bất kỳ vấn đề gì xảy ra sẽ tác động tới môi trường hòa bình - an ninh, tự do hàng hải, thương mại và giao lưu trong khu vực. Trong năm 2018, tình hình đã diễn biến hết sức phức tạp, do sự thay đổi nguyên trạng, do kết quả của mở rộng và quân sự hóa các đảo đá, làm các nước lo ngại rằng trong tương lai có thể xảy ra các sự kiện gây ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, không chỉ ở khu vực mà còn ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Quan điểm của chúng ta là Biển Đông là mối quan tâm chung, và không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố hay gây xung đột. Vì chúng ta sẽ là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Lập trường của chúng ta là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước 1982 quy định quyền của các nước có các vùng đặc quyền kinh tế không được xâm phạm. Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy, hoan nghênh các sáng kiến nào đóng góp cho môi trường hòa bình trên Biển Đông.

Pho Thu tuong tra loi phong van ngoai giao anh 3
Ảnh vệ tinh ngày 28/3/2018 cho thấy hệ thống tên lửa của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters.

Về quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, trong năm 2018, vẫn tiếp tục phát triển. Các chuyến thăm giữa 2 nước vẫn diễn ra như bình thường. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – một mặt tích cực trong quan hệ 2 nước. Tuy nhiên giữa 2 nước vẫn còn những vấn đề còn tồn tại – đó là vấn đề trên biển. Qua các trao đổi, chúng ta tiếp tục nêu các vấn đề, diễn biến trên Biển Đông, thông qua các cơ chế hợp tác sẵn có.

- Trung Quốc muốn cấm các nước tập trận và khai thác dầu khí trên Biển Đông trừ khi có sự đồng thuận của tất cả các bên trong COC. Trước những đòi hỏi kiểu như vậy của Trung Quốc, có thể có kỳ vọng các bên thỏa hiệp được với nhau hay không?

- Đối với Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), chúng ta biết rằng giữa ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002 cho đến nay, tức là đã gần 20 năm. Trong DOC có một điều khoản là phải tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông.

Việc ASEAN và Trung Quốc thương lượng để xây dựng COC không nằm ngoài tiến trình này, nhưng đang diễn ra chậm hơn mong muốn của các nước. Năm 2012 khi kỷ niệm 10 năm DOC, các nước trong ASEAN cũng đều mong muốn sớm ký kết một quy tắc ứng xử COC. Tuy nhiên đến 2018 mới bắt đầu đi vào thương lượng được các thành tố của COC. Đây là thương lượng nội bộ giữa ASEAN và Trung Quốc, chưa có văn bản nào công bố ra bên ngoài. COC cần phải đảm bảo các nguyên tắc, bao gồm thực hiện hiệu quả các ràng buộc về pháp lý. Chúng ta biết rằng DOC có quy định liên quan tới thay đổi hiện trạng Biển Đông, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả, dù mỗi năm đều có kiểm nghiệm đánh giá về thực hiện DOC. COC phải đảm bảo có tính chất pháp lý.

Pho Thu tuong tra loi phong van ngoai giao anh 4
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh công tác bảo hộ công dân như một trọng tâm của ngành ngoại giao. Ảnh: Việt Linh.

Kiên trì đa phương giữa làn sóng chủ nghĩa bảo hộ

- Phó Thủ tướng có thể đánh giá về các thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại năm 2018?

- Nhìn lại năm 2018, tình hình thế giới đã diễn biến hết sức bất thường. Một số nước, một số lãnh đạo quay lại với chủ nghĩa bảo hộ để xử lý các hoạt động đối ngoại, khiến nhiều nước cảm thấy sự bất ổn, nếu điều chỉnh không kịp sẽ nảy sinh vấn đề trong quan hệ quốc tế. Cũng đang có trào lưu nhìn nhận lại, rũ bỏ các cam kết đã có, các cơ chế đa phương, mà phần lớn các nước vẫn đang dựa vào.

Việt Nam chúng ta luôn mong muốn rằng xu thế và cơ chế đa phương sẽ phát triển, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế đã được ký kết.

Tranh chấp xung đột vẫn đang xảy ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước vẫn triển khai một cách đầy đủ, quan tâm. Những chuyến thăm đến các nước vẫn được mở rộng. Trong năm 2018 có nhiều chuyến thăm của lãnh đạo chúng ta đến các nước quan trọng, và các nước đều mong muốn chào đón chúng ta đến thăm. Chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng, nâng cấp quan hệ với một số nước, một điều không dễ dàng trong một năm có nhiều biến đổi phức tạp.

Một dấu ấn nữa là chúng ta tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương quan trọng. Điều này mang lại cho Việt Nam vai trò đặt ra các vấn đề quan tâm chung. Đặc biệt, giới doanh nghiệp đã tham gia rất đông. Nội dung do chúng ta cũng dẫn dắt, thể hiện được những mối quan tâm chung, đồng thời phù hợp với lợi ích của chúng ta.

Pho Thu tuong tra loi phong van ngoai giao anh 5
Lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực tham dự Hội nghị WEF ASEAN. Ảnh: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

- Phó Thủ tướng có thể đánh giá về công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua?

- Trong tình hình đất nước chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, nhu cầu của người Việt Nam đi ra nước ngoài tăng lên nhanh chóng, không chỉ đi lao động, mà do kinh tế chúng ta phát triển, số người có khả năng, điều kiện đi du lịch ngày càng tăng lên. Do đó công tác bảo hộ công dân của chúng ta ngày càng quan trọng, diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, những nơi có cơ quan đại diện.

Trong năm 2018, theo số liệu thống kê, số lượng bảo hộ công dân cho đến thời điểm hiện nay tăng 22% so với năm 2017, với con số trên 10.000 người dưới nhiều hình thức như thuyền viên, người lao động, du lịch. Và cũng xảy ra nhiều vụ việc như vụ đánh bom ở Ai Cập hay vụ việc du khách sang Đài Loan. Đại sứ quán của chúng ta ở đó đã tích cực hỗ trợ cho người Việt Nam bị ảnh hưởng. Tác động là hết sức tích cực, đảm bảo cho người dân chúng ta khi ra bên ngoài, trước tiên là tôn trọng luật pháp sở tại, và thứ hai là luôn được quyền bảo hộ công dân, được đối xử tốt.

Trong nhiều năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã có tổng đài mở 24/24. Nếu các bạn đi ra nước ngoài, nếu roaming (chuyển vùng quốc tế), đầu tiên bạn sẽ nhận được tin nhắn về số điện thoại của lãnh sự, sau đó mới thông báo về mạng roaming, cước dữ liệu. Điều đó cho thấy chúng ta chuyển được thông tin đó đến từng người dân, để bất cứ vấn đề gì họ đã có đường dây nóng.

Việt Nam phản đối Trung Quốc mở trạm khí tượng tại quần đảo Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định các trạm quan trắc mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, còn Mỹ thì xuất siêu lớn. Vậy áp lực từ đâu sẽ lớn hơn?





Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm