Sáng 22/12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát ga Hà Nội, Giáp Bát và làm việc với Tổng công ty Đường sắt.
Báo cáo Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, kiêm phụ trách Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông, cho biết mạng đường sắt quốc gia Việt Nam có tổng chiều dài 3.143 km nhưng đến nay đều đã lạc hậu.
Từ năm 1975 đến nay, ngành đường sắt có xây dựng mới tuyến đường sắt xuống cảng Cửa Lò nhưng đã dừng hoạt động. Bên cạnh đó, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang bị đình hoãn, còn lại không có tuyến đường sắt mới nào được đầu tư trọn vẹn.
“Đường nhánh kết nối với cảng biển nhiều nơi bị dỡ bỏ, kết nối kém. Hành lang an toàn đường sắt nhiều đoạn bị xâm phạm nghiêm trọng”, ông Đông thông tin.
Cũng theo ông thứ trưởng, vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động khoảng từ 1.700-2.000 tỷ đồng nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. Mức đầu tư như vậy chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng vốn đầu tư cho giao thông vận tải.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát khu điều độ chạy tàu, nhà ga Giáp Bát. Ảnh: V.C.
|
Cũng tại buổi làm việc, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt, cho rằng các vấn đề về kết cấu hạ tầng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp năng lực vận chuyển của ngành đường sắt.
Hiện nay, với các tuyến ngắn thì không cạnh tranh được với đường bộ, trong khi đó các tuyến đường dài thì khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ.
“Nếu khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 1995 chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách thì năm 2014 chỉ còn 3,2%”, ông Tùng cho biết.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định thực tế nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt hạn chế, xã hội hóa đường sắt khó khăn, rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây là nguyên nhân chính cản trở phát triển và hiện đại hóa ngành đường sắt.
“Nguyên nhân của thực trạng này là nhận thức về vai trò của đường sắt trong tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông nói chung chưa nhất quán và chưa rõ. Ngoài ra chưa có một bài toán để khẳng định đường sắt phải chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần vận tải, từ đó có cơ cấu đầu tư phù hợp…”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.
Phó thủ tướng yêu cầu ngành đường sắt có thứ tự ưu tiên các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để từng bước đạt mục tiêu tốc độ tàu hành khách đạt 90 km/h.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt phải từng bước đầu tư khắc phục nút thắt về hạ tầng, đầu tư, cải tạo, nâng cấp các nhà ga, tăng cường kết nối đường sắt với cảng biển.
Về nguồn vốn đầu tư cho phát triển đường sắt, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông Vận tải tìm nguồn vốn để từng bước thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện có.