ITU Digital World 2020 (tên mới của Triển lãm Viễn thông thế giới theo sáng kiến của Việt Nam)là sự kiện có sự đồng lòng góp sức với vai trò dẫn dắt của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho đến toàn bộ doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam… Ông Đoàn Đại Phong, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions (thành viên Tập đoàn Viettel) đã có những chia sẻ về quá trình xây dựng hạ tầng cho sự kiện trên nền tảng 3D.
- Chỉ có một tháng để xây dựng hạ tầng cho sự kiện ITU Digital World 2020, được tổ chức online dựa trên nền tảng 3D, đội ngũ kỹ sư của Viettel gặp những áp lực gì?
- Chúng tôi có ba thử thách trong việc xây dựng platform 3D cho ITU Digital World 2020. Thứ nhất là liên quan đến phần nghiệp vụ triển lãm ảo, đặc biệt là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tính năng cho phép các công ty tham gia triển lãm có thể tự thiết kế gian hàng 2D, 3D trên platform. Đây là điều Viettel chưa làm bao giờ.
Thứ hai là việc đảm bảo hạ tầng cho quy mô triển khai trên toàn thế giới. Thứ ba là với quy mô như vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin, ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra là điều cần có phương án phòng vệ và dự phòng.
Ông Đoàn Đại Phong, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions. |
- Kinh nghiệm xây dựng hạ tầng công nghệ cho những sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam trước đó giúp gì cho Viettel tại ITU 2020?
- Sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng nền tảng 3D, với kinh nghiệm triển khai tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ASEAN+3…, ngay lập tức đội ngũ kỹ sư Viettel đã có quy hoạch về mặt mạng lưới, tài nguyên, nên chúng tôi làm rất nhanh. Chủ yếu phần mới là các tính năng liên quan đến công nghệ thông tin - nền tảng 3D như tôi nói ở trên, còn hạ tầng thì đã có nhiều kinh nghiệm rồi.
- So với tổ chức một triển lãm viễn thông kiểu truyền thống, hình thức này sẽ tiết kiệm chi phí hay tốn kém hơn?
- Sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Ở các sự kiện offline tại nước ngoài, mỗi doanh nghiệp chỉ vài người tham gia thôi đã sẽ kéo theo chi phí ăn ở, đi lại, xây dựng các gian hàng triển lãm… Nếu triển khai theo hình thức online, về bản chất, sự kiện vẫn đáp ứng được các hoạt động như offline nhưng tiết kiệm nhiều chi phí.
Việc tổ chức online với nền tảng 3D sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí mà vẫn đáp ứng được nhiều yêu cầu như một sự kiện offline. |
- Vậy cơ hội giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng, networking… có được đảm bảo hay không nếu tổ chức online?
- Các hội nghị quốc tế thường có ba mục tiêu, gồm tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm; gặp gỡ trao đổi các cơ hội kinh doanh; học hỏi các xu thế công nghệ mới thông qua các chuyên đề của diễn giả. Với platform này, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng ba mục tiêu đó.
Ví dụ khi một người đăng ký tham gia triển lãm, họ thích sản phẩm nào có thể tương tác ngay trên sản phẩm đó. Họ có thể kết nối, trao đổi và xem được đầy đủ thông tin như video, catalog sản phẩm. Tất cả đều tích hợp trên nền tảng 3D.
- Với sự kiện quy tụ các ông lớn trong ngành viễn thông, CNTT thế giới, Viettel có bị áp lực vì sự kiện này sẽ cho thấy năng lực của Việt Nam hay không?
- Chúng tôi chỉ bị áp lực về mặt thời gian, còn về mặt công nghệ, chúng tôi rất tự tin. Khi xây dựng platform này, đội ngũ kỹ sư Viettel cũng nghiên cứu các triển lãm mới đây như GSMA (Thượng Hải), Connect Tech (Singapore)… Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi có thể xây dựng một platform vừa tích hợp được toàn bộ yêu cầu của triển lãm offline, vừa đáp ứng các tính năng, thậm chí còn ưu việt hơn các hội nghị online được tổ chức mới đây. Vì các công ty tham gia triển lãm ITU 2020 hoàn toàn có thể tự thiết kế gian hàng 3D.
Gian hàng của Viettel trên ITU Virtual Digital World 2020. |
- Năm nay, các sản phẩm Viettel đem đến triển lãm có gì đặc biệt?
- Các sản phẩm năm nay nhấn mạnh hơn thông điệp xuyên suốt của tập đoàn: Viettel với sứ mệnh kiến tạo xã hội số. Để làm điều đó, có ba đối tượng tham dự là chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Khi thiết kế gian hàng 3D của mình tại ITU Digital World 2020, Viettel cũng đem đến đúng hệ sinh thái dịch vụ số phục vụ cho 3 nhóm B2G, B2B và B2C.
Tất cả sản phẩm số này đều đã được xây dựng hoàn chỉnh, triển khai trong thực tế. Nhiều sản phẩm đã đạt nhiều thành quả tốt, đóng góp vào sứ mệnh kiến tạo xã hội số của Viettel như e-Cabinet, nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), ViettelPay, hệ thống tính cước theo thời gian thực (vOCS)…
- Về mặt cá nhân, ông thấy điều gì thú vị nhất khi trực tiếp chỉ đạo dự án này?
- Đến bây giờ, ITU 2020 đã diễn ra tốt đẹp, giai đoạn áp lực cũng đã qua nhưng tôi cùng các anh em ở Viettel chỉ tập trung làm nên chưa kịp cảm nhận điều gì thú vị. Có lẽ, điều tôi thấy hay nhất là sự đồng lòng, góp sức với sự dẫn dắt của Bộ Thông tin và Truyền thông cho đến tất cả doanh nghiệp công nghệ - viễn thông lớn ở Việt Nam. Tất cả đều tham gia, cùng giải quyết các khó khăn gặp phải, làm sao để hội nghị được tổ chức tốt nhất.
Bình luận