Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó TGĐ Vanilla Air: 'Người Nhật chỉ cạnh tranh chất lượng'

Chọn Việt Nam là thị trường khai thác đầu tiên tại Đông Nam Á, hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Vanilla xác định lấy chất lượng dịch vụ và sự minh bạch để cạnh tranh.

Bà Mio Yamamuro, Phó tổng giám đốc Vanilla Air đã có chia sẻ về định hướng phát triển của hãng hàng không Nhật Bản tại Việt Nam.

- Được thành lập năm 2011 và vận hành dịch vụ hành khách theo lộ trình dưới tư cách là AirAsia Japan. Đến cuối năm 2013, hãng mới chính thức có chuyến bay đầu tiên với tư cách Vanilla Air. Vậy đâu là lý do chính để có sự thay đổi này?

- Câu chuyện với AirAsia diễn ra vào thời điểm 2011, AirAsia và ANA Holdings INC cùng góp vốn để sở hữu một hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản với tên gọi AirAsia Japan. Tại thời điểm đó, mọi quyết định và chiến lược doanh nghiệp đều xuất phát và được điều khiển từ Malaysia - trụ sở chính của AirAsia.

hang hang khong Vanilla Air anh 1
Bà Mio Yamamuro, Phó tổng giám đốc Vanilla Air.

Thực chất, AirAsia có mong muốn áp dụng mô hình hàng không giá rẻ vốn đã rất thành công của họ vào Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường du lịch Nhật Bản có những đặc thù và đòi hỏi riêng về chất lượng dịch vụ cũng như quy trình vận hành. Vì vậy, chiến lược của AirAsia thời điểm đó được cho là không đáp ứng với nhu cầu thị trường, tạo nên cuộc “ly dị” giữa AirAsia và cổ đông ANA Holdings INC.

Sau sự chia tách đó, ANA mua lại 100% vốn và tiếp tục xây dựng hãng hàng không lấy tên Vanilla Air. Chuyến bay đầu tiên vào được thực hiện vào tháng 12/2013.

- Đâu là lý do khiến Vanillar Air lựa chọn thị trường Việt Nam để khai thác đầu tiên ở Đông Nam Á?

- Lý do trước mắt đến từ sự gia tăng vượt trội lượng hành khách Đông Nam Á đến Nhật. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), từ năm 2014 đến nay, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng gần 50%, thậm chí duy trì mức tăng ở 48 tháng liên tiếp. Điều này khẳng định nhu cầu du lịch Nhật Bản đang phát triển nhanh chóng, mở ra tiềm năng kích cầu du lịch giữa 2 nước.

Thêm vào đó, với thực tế giá rẻ chỉ bay tới các điểm lân cận Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Singapore..., sự có mặt của hàng không giá rẻ Nhật Bản, triển khai tuyến đường TP.HCM - Tokyo sẽ trở thành điểm nóng được quan tâm. 

Hãng đồng thời khai thác lợi thế của việc nới lỏng visa cho khách Việt vào Đài Loan kể từ 1/9. Đây là thời điểm không thể hợp lý hơn để các hãng giá rẻ bay tới Đài Loan thu hút triệt để lượng khách du lịch và giải mã bài toán lợi nhuận.

- Bà có thể chia sẻ về quy mô cụ thể của Vanilla để phục vụ khai thác ở thị trường Việt Nam?

- Tại Việt Nam, Vanilla triển khai một chuyến bay mỗi ngày kết nối TP.HCM - Tokyo và quá cảnh ở Đài Bắc. Hãng mới xuất hiện tại Việt Nam hơn một tháng nay nên vẫn chưa đủ thời gian thành lập văn phòng tại đây.

Hiện, hãng sử dụng một máy bay Airbus A320-200 và đội bay người Nhật để khai thác tuyến đường này. Tôi hy vọng với sự tăng trưởng đều đặn của thị trường hàng không Việt Nam, chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng hơn quy mô.

hang hang khong Vanilla Air anh 2
Vanilla Air xác định lấy chất lượng dịch vụ và sự minh bạch để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

- Chiến lược cạnh tranh của hãng ra sao trong bối cảnh hàng không giá rẻ đang nở rộ và khách hàng đang có rất nhiều sự lựa chọn tại Việt Nam?

- Cam kết giá rẻ nhưng chất lượng Nhật Bản chắc chắn sẽ trở thành thông điệp nổi bật và cuốn hút với người Việt. Doanh nghiệp Nhật luôn nổi tiếng với chất lượng phục vụ, sự chính xác, lòng hiếu khách tuyệt đối và may mắn đang được người Việt yêu mến. Hiện tại chúng tôi có được tỷ lệ không hủy và hoãn chuyến lên đến 98% và sẽ làm hết sức để duy trì điều này.

Mạng lưới bay cũng là một điểm mạnh của chúng tôi. Ngoài TP.HCM, Vanilla Air chọn Đài Loan làm tâm điểm kết nối các nước trong khu vực. Nội địa Nhật Bản trải dài từ Bắc xuống Nam với những chuyến bay dài dưới 3 giờ cũng góp phần đưa người Việt trải nghiệm nhiều hơn.

Thời gian tới, hãng mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan trong lĩnh vực giải trí, ăn uống, ngân hàng để mở rộng thị phần và tăng thêm quyền lợi vé rẻ cho du khách.

- Hãng xây dựng chiến lược giá như thế nào khi khai thác ở thị trường Việt Nam?

- Chiến lược giá trở thành vũ khí hàng đầu để chiếm thị phần. Tuy nhiên, đây cũng là một nước đi mạo hiểm với doanh nghiệp Nhật Bản. Trước áp lực cạnh tranh lớn, các hãng nội địa đua nhau tung ra những đợt bán vé khuyến mãi với giá thậm chí từ 0 đồng/chặng. Để đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh, những hãng hàng không mới như Vanilla Air càng cẩn trọng trong việc tung giá bán tới tuyến đường phù hợp. 

Tuy nhiên, chúng tôi minh bạch mức giá cuối cùng trên website, giúp hành khách nắm mọi thông tin ngay trong vài giây đầu tiên. Họ không còn quá bất ngờ với mức chênh lệch lớn giữa vé thuần và vé sau khi áp dụng thuế phí. Nỗ lực hợp tác với các sân bay để có được giá thuế tốt nhất cho hành khách cũng nằm trong chiến lược lâu dài của hãng.

- Theo bà, lĩnh vực hàng không có thể phát triển lớn đến đâu ở thị trường Việt Nam?

- Việt Nam đứng thứ 7 thị trường hàng không thế giới về tốc độ phát triển trong giai đoạn 2014-2017. Theo tìm hiểu, tôi thấy du khách Việt Nam đang phân hóa rất rõ, đặc biệt trong mục đích và nhu cầu du lịch.

Thế hệ du khách mới - những người luôn tràn đầy cảm hứng du lịch và mong muốn khám phá - đang trở thành những người tiên phong trải nghiệm tuyến đường mới. Đây là động lực để các hãng hàng không nước ngoài triển khai và vận hành tốt tuyến đường. Đó là điều tất yếu để thị trường Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh cũng như quy mô lớn.

- Tầm nhìn dài hạn của Vanilla ở Việt Nam là gì?

- Vanilla Air sẽ tiếp tục mở các điểm đến nội địa mang tính nghỉ dưỡng ở Nhật Bản, triển khai đường bay Narita - Cebu vào tháng 12 và duy trì ổn định mức trọng tải ít nhất 90% cho đường bay TP.HCM - Đài Loan. Các chuyến bay của hãng từ Đài Loan tới Nhật Bản còn được gọi là chuyến bay vàng, thu hút rất nhiều du khách Việt muốn có thêm trải nghiệm Nhật Bản sau khi tận hưởng du lịch ở Đài Bắc.

Hy vọng chúng tôi sẽ khai thác tốt các giá trị cơ bản này trước rồi mở rộng mạng lưới khi mọi thứ đã ổn định. Nhưng thị trường Việt Nam cũng là thị trường trọng điểm trong dài hạn.


Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm