Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phố phường Hà Nội vào thu

Mỗi độ vào thu, trong lòng những người yêu Hà Nội lại rạo rực những cảm xúc nhớ nhung. Người ta thấy nhớ những mùa thu năm cũ, nhớ cố nhân đã đi xa cùng bao kỷ niệm.

Ha Noi vao thu anh 1

Vào thu, phố phường Hà Nội khoác lên mình một tấm áo mang màu sắc lãng mạng và hoài cổ. Ảnh: H.N.

Phố thu, nghe nắng trải vàng trên mái cây, nhưng còn lâu họa sĩ thiên nhiên mới quết phấn vàng lên tầng lá, còn thu non,lá vẫn nuột nà xanh biếc, dù ngoài kia những vùng mênh mông gió cho cánh cò bay liệng, sen đã một mùa tàn.

Lác đác cô gái ngoại thành đi bán hoa vàng rong phố, thứ cúc lai mùa mà không hẳn là hoàng hoa của quan tái xa xưa, của thứ rượu ngất ngây hồn thi sĩ những cúc đại đóa, hoàng mi, bạch mi, móng rồng, cúc tím...

Sữa đã đọng cho lúa nếp hoa vàng uốn cầu Dịch Vọng để ta chờ con chim ngói bay về xao xác tiếng cánh vỗ trong lồng hình quả đào, quả vả cùng cái đòn gánh cong một đầu xuất hiện trên phố thu cô hàng cốm.

Đàn chim non đã tề tựu nhập trường cho những quả ổi găng chín vàng, hết những bàn tay thơ nhỏ vin cành hái trái xanh chấm muối mà xuýt xoa vị chát, vị của tuổi học trò tinh nghịch.

Lại gặp nỗi mưa ngâu lã chã, dầm dề, thánh thót. Đã mấy nghìn năm mà cô gái dệt vải và anh chàng chăn trâu trên cánh đồng trời vẫn trẻ, tóc vẫn xanh mây, vẫn còn giàn giụa nỗi nhớ thương cho một nhạc sĩ yểu mệnh Đặng Thế Phong phải não nề cùng tình si ấy trong câu nhạc “Đến bao năm trời hỡi, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu”.

Trong nỗi rỉ rả như khiến vòm trời tan thành nước, con dế nào nỉ non thê thiết mà thi nhân thiên cổ phải thốt lên, thương cho mình tóc bạc thời gian, đựng vào đấy một đời kinh nghiệm, có pha một chút cỗi cằn phiền muộn: “Ta già nghe chẳng sao đâu/ Tuổi xanh nghe, khéo bạc đầu như chơi...” (Một câu thơ Đường)

Người tóc bạc thường hay tủi phận. Những mưa gió nào đọng trong màu bạch kim kia, không còn đủ sức chạy trên đường đua, không còn háo hức ngóng mãi một tà áo dài bướm lượn, không còn đủ sức nhai một miếng sụn giòn rau ráu trong một bữa tiệc tẩy trần...

Đó có phải là thu của đời người? Thu cây vàng lá. Thu người trắng tóc. Thu trời giọt giọt than vãn. Cuộc đời, nào ai giống ai đâu. Có người viên mãn như mặt trời thiên đỉnh. Đường đời, hạnh phúc, sự nghiệp gia đình đều êm đềm như lụa rải, sực nức như hoa lan, hoa huệ.

[…]

Riêng phố thu thì hình như năm nào cũng điệp khúc như cuốn băng được “tua” đi “tua” lại. Hà Nội có những phố theo chiều bắc - nam, và nhiều phố cắt ngang theo chiều đông - tây. Phố Tràng Tiền, phố Khâm Thiên theo chiều đông tây như thế, nắng lên từ sớm và chiều muộn mới tàn, người ta còn cho nó thêm cái tên là phố “xích đạo”.

Và cữ thu sang, nắng có phần mềm mại đôi chút trong sắc vàng của gió heo may mà ở một nơi nào xa kia, những con cá rô xù đi tìm mồi nơi chiếc cần câu em nhỏ, con cá chép vàng béo núc tham ăn vướng lưới nhà chài, con ốc nhồi chưa làm trứng nên cứ ngậy lên trong đêm Trung thu có nồi ốc luộc thoảng vị lá bưởi, lá chanh và tí mẻ...

“Lý ngư bát ngoạt” (bát nguyệt - tháng tám) không phải là con cá chép trông trăng, ngẩn ngơ tìm nguyệt suốt đời như thơ Hoàng Hữu, một người tài hoa chưa được hưởng thu trời đến con số 40, ra đi, tóc còn đen nhánh.

Bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” có lẽ được vẽ nên sau khi người nghệ nhân dân gian đã phải qua hàng trăm lần ngồi gỡ cá dưới trăng, mới thấy hết được cái thần mùa thu nhập vào hồn cá, xác cá...

Điểm thi không phải thước đo duy nhất với giáo viên

Theo tác giả Charles Wheelan, thay vì đánh giá giáo viên bằng điểm số, nhà quản lý giáo dục cần một hệ thống đánh giá tập trung vào giá trị dài hạn mà giáo viên mang lại.

Băng Sơn/ Huy Hoàng Books & NXB Hà Nội

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận

    SÁCH HAY

    Thông báo