Trong ba ngày 17-19/2, Phó chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans tới thăm Việt Nam theo lời mời của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.
Mục tiêu chính trong chuyến thăm là để thảo luận các bước cụ thể tiếp theo sau Hội nghị khí hậu COP26 với Chính phủ Việt Nam, nhằm thúc đẩy một chương trình phát triển xanh.
Ông Timmermans dự kiến thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc hợp tác giữa hai bên để tạo điều kiện đạt được những mục tiêu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra tại COP26.
Những cam kết này bao gồm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi than sang năng lượng sạch, giảm phát thải metan, cũng như ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
Trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 17/2, ông cho biết EU rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.
Phó chủ tịch EC khẳng định Việt Nam là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển học tập và là nơi mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian sắp tới về phát triển bền vững.
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Frans Timmermans. Ảnh: AP. |
Ông Frans Timmermans giữ chức phó chủ tịch EC phụ trách Thỏa thuận Xanh kể từ năm 2019.
Trước đây, ông là phó chủ tịch thứ nhất EC phụ trách Quan hệ liên thể chế, Pháp quyền và Hiến chương về các quyền cơ bản.
Ông giữ chức vụ bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan trong hai giai đoạn, bao gồm 2012-2014 dưới thời Thủ tướng Mark Rutte và 2007-2010 dưới thời cựu Thủ tướng Jan Peter Balkenende. Ông cũng từng là nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Lao Động Hà Lan.
Phó chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans theo học tại Đại học Nancy, Pháp và nhận bằng thạc sĩ Luật châu Âu và Văn học Pháp.
Ông Frans Timmermans nói thành thạo tiếng Hà Lan, Anh, Pháp, Nga và Italy.
Buổi giao lưu trực tuyến với Phó chủ tịch điều hành EC Timmermans sẽ bắt đầu vào lúc 14h15 ngày 19/2. Độc giả có thể đặt câu hỏi đến ông ngay từ lúc này.
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans sẽ trả lời độc giả Zing trong buổi giao lưu trực tuyến vào 14h15 ngày 19/2.
- 2022-02-19 14:15+0700
- Hà Nội
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Cảm nhận của ông khi đi metro là gì?
Hiện tuyến này vẫn chưa hoạt động nhưng chúng tôi đã đi thử 15 phút từ trạm dừng số 8 rồi quay lại nhà ga. Thực ra đi tuyến Metro tại Việt Nam cũng giống đi bất cứ tuyến tàu điện ngầm ở mọi thành phố nào khác, cho dù nó là ở Paris hay Brussels. Điều duy nhất mà tôi thấy khác biệt là khung cảnh xung quanh, những gì tôi nhìn thấy. Tôi chú ý đến tòa nhà, khung cảnh “xanh” của thành phố chứ tôi không nhìn vào phương tiện tôi đang đi. Và tôi thực sự thích thú với khung cảnh thành phố.
-
Ông nghĩ việc thực thi EVFTA đến lúc này có giúp gì cho mục tiêu phát triển bền vững của đôi bên không?
Đây là một vấn đề lớn hơn cam kết phát thải ròng bằng 0, nhưng cam kết này là một điểm khởi đầu tốt để đạt được điều phát triển bền vững. Chúng tôi cũng làm việc với Việt Nam về sản xuất nông nghiệp bền vững, chúng tôi đã thảo luận về Mekong trước đó. Chúng tôi sẽ cần làm việc với Việt Nam về bảo vệ và cải thiện đa dạng sinh học, về lâm nghiệp bền vững để không còn tình trạng khai thác gỗ hoặc chặt phá rừng trái phép. Việt Nam là thiên đường đa dạng sinh học, nhưng nó đang bị đe dọa vì mức sống ngày càng tăng do các hoạt động nông nghiệp và phát triển kinh tế. Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ sự phong phú tự nhiên đó của Việt Nam, và chúng tôi sẽ làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề đó.
Chúng tôi cũng đã nói về tính bền vững về khí hậu, thiên nhiên, và đó cũng là về tính bền vững của xã hội. Việc bảo vệ lao động, điều kiện của người dân cũng là điều quan trọng. Trong đó, việc loại bỏ sử dụng lao động trẻ em cần được quan tâm. Chúng tôi mong muốn tạo ra không gian làm việc an toàn.
Tất cả điều này là vì công dân châu Âu ngày càng yêu cầu chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài EU. Họ cũng yêu cầu công nhân làm việc để tạo ra những sản phẩm này ở Việt Nam và các nơi khác phải được trả lương cao, được bảo vệ tốt tại nơi làm việc,... Tôi thực sự mong muốn được làm việc về tất cả những vấn đề này với chính phủ Việt Nam.
Ảnh: Việt Linh.
-
Ông đã nói chuyện gì với các bộ trưởng Việt Nam?
Chúng tôi nói về cam kết phát thải ròng bằng 0 và tác động của nó. Đó là điều quan trọng nhất. Chúng tôi cũng bàn luận về một số vấn đề song phương như chuyển đổi năng lượng... Thủy sản là một lĩnh vực khác được các bộ trưởng nhắc đến thường xuyên. Vì Liên minh châu Âu đánh thẻ vàng lên Việt Nam vì không xác minh được có đánh bắt bất hợp pháp hay không, hoặc việc đánh bắt trách nhiệm có được thực hiện nghiêm túc hay không.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cam kết rất mạnh mẽ để cải thiện điều đó. Và chúng tôi đang làm việc để giải quyết vấn đề đó.
Dù vậy, vì tôi là quan chức phụ trách vấn đề năng lượng xanh của EC, chúng tôi chủ yếu nói về năng lượng.
Ảnh: Việt Linh.
-
Cháu chào bác. Cháu hiện là sinh viên sắp ra trường tại trường đại học Việt Nam. Bác có lời khuyên gì dành cho sinh viên sắp ra trường trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay không ạ?
Bạn biết đấy, tôi cũng nghĩ tới con cháu mình. Tôi nghĩ bạn sẽ phải cố bắt kịp trên nhiều phương diện. Trong đại dịch Covid-19, bạn có lẽ vẫn có thể làm được mọi thứ cần thiết trong việc học. Nhưng việc học ở đại học chỉ là một nửa những việc cần làm thôi. Một nửa kia là học cách làm người lớn, học cách xã giao, kết thêm bạn mới. Trong một thời gian dài thì điều này là gần như bất khả thi. Lời khuyên của tôi là hãy cố gắng bắt kịp, hãy sống, di chuyển và có những người bạn mới. Vì đây sẽ là một phần của việc hình thành tính cách cá nhân, bên cạnh thành tích học tập. Với thanh niên, tôi không lo lắng về mặt thành tích học tập mà lo cho mặt con người của họ. Những năm của tôi từ 58 tới lúc 61 tuổi không khác nhau là mấy.
Nhưng với thanh thiếu niên, từ 14 tới 16 tuổi hay 16 tới 18 tuổi sẽ là những năm không bao giờ quay trở lại. Và tôi ước gì những năm đó sẽ có thể khác đi đối với họ. Đáng buồn là tôi không thể thay đổi điều đó, nhưng chúng ta lúc này có thể cố gắng giúp họ vui sống hơn một chút.
-
Châu Âu đang đàm phán về gói Fit for 55 với tham vọng tới năm 2030 là giảm 55% lượng khí thải làm Trái Đất ấm lên so với mức năm 1990. Gói này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tăng khiến giá năng lượng cũng tăng lên, trở thành một vấn đề chính trị lớn trên khắp châu Âu. Ông có lo lắng điều này có thể gây cản trở khi chuyển đổi sang năng lượng bền vững?
Nhiều người đổ lỗi cho chính sách khí hậu của chúng ta về sự lạm phát, nhưng điều đó là vô nghĩa. Nó không liên quan gì đến chính sách khí hậu, mà bởi vì khí đốt - nguyên liệu chính - quá đắt mà chúng ta đã thực hiện thỏa thuận xanh. 10 năm trước chúng ta phụ thuộc vào khí đốt, hóa đơn năng lượng tăng quá nhanh khiến mọi người lo lắng và muốn tìm cách ngăn chặn. Vì vậy, chúng tôi đảm bảo mọi người hiểu rằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển năng lượng tái tạo là giải pháp phù hợp cho điều này, giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
-
Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đề xuất áp thuế phát thải carbon lên hàng hóa của những nước bên ngoài EU. Cơ chế này có thể tác động tới doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trong ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam. Ông có nghĩ sẽ có một hình thức miễn trừ nào đó dành cho các nước đang phát triển?
Tôi sẽ không quá lo lắng. Vì sao ư? Việt Nam đã là một trong những nước cam kết đạt phát thải bằng 0, điều này đồng nghĩa các bạn phải đặt ra một mức giá cho carbon. Hiện có nhiều cách tính giá carbon, nhưng tất cả đều giảm thiểu mối nguy hại của phát thải. CBAM còn có một bộ quy chuẩn để ngăn chặn các công ty phát thải. Khi một doanh nghiệp rời khỏi nơi có luật lệ nghiêm khắc, họ sẽ không thể làm ăn ở nơi tương tự.
Vì vậy, nếu chúng ta đi cùng hướng và đánh thuế lên carbon, chúng ta không cần điều chỉnh những cái khác. Nếu có sự chênh lệch giữa khí thải carbon thải ra giữa sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và châu Âu, chúng ta phải tính đến điều này, nhưng nếu mức thuế là ngang bằng cho châu Âu và Việt Nam, chúng ta không cần lo lắng. Tất cả phụ thuộc vào đường hướng của Việt Nam.
Ảnh: Việt Linh.
-
Ông đã có cuộc gặp với EuroCham và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kinh doanh xanh. Các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam có đề xuất/yêu cầu hỗ trợ nào gửi đến ông hay không?
Tôi rất ấn tượng việc họ cực kỳ có tư duy làm ăn. Là một người Hà Lan, tôi phải nói rằng đây (Việt Nam) là một đất nước cực kỳ có tư duy làm kinh doanh. Điều thứ hai là họ cam kết với việc "xanh hóa" nền kinh tế, sử dụng mọi cơ hội để chuyển đổi năng lượng, đồng thời sử dụng cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào việc tạo ra hạ tầng bền vững, ví dụ như mở rộng cảng để tạo ra các cảng nước sâu, giúp Việt Nam mở rộng giao thương một cách bền vững với năng lượng tái tạo. Có một nhà đầu tư mới từ Đan Mạch, Lego sẽ đầu tư cơ sở sản xuất thứ sáu của họ tại Việt Nam. Và nhà xưởng của họ sẽ được xây dựng theo hướng trung hòa carbon, và họ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo được cho nó.
Thật là một niềm hứng khởi được nhìn thấy mọi thứ diễn ra ở Việt Nam.
-
Một nghiên cứu gần đây cho thấy đến năm 2050, phần lớn Nam Bộ của Việt Nam sẽ ngập trong nước khi triều lên. EU có sáng kiến nào có thể giúp Việt Nam chuẩn bị cho kịch bản này không?
Quản lý nguồn nước là một trong những thách thức lớn nhất mà cá thế hệ sau phải đối mặt. Bạn cũng biết đấy, tôi là người Hà Lan, chúng tôi phải xử lý vấn đề nước ngay từ khi lập quốc, do hầu hết lãnh thổ chúng tôi ở dưới mực nước biển. Tôi biết rằng, đối với đồng bằng sông Mekong, đây sẽ là thách thức cho các thế hệ sắp tới, nhưng cũng có thể xử lý bằng công nghệ. Điều đầu tiên, chúng ta cần ngăn chặn mọi thứ vượt qua khỏi tầm kiểm soát, ngăn nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C. Giờ đây, ở mức tăng nhiệt độ 1,1 độ C, chúng ta đã thấy hiện tượng thời tiết thất thường đã xảy ra ở đồng bằng sông Mekong. Chúng ta cần quản lý nguồn nước, cần có giải pháp qua cơ sở hạ tầng.
-
Việc hợp tác phát triển năng lượng xanh giữa EU và Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì? Việt Nam cần làm gì để tăng cường thu hút tài chính xanh từ EU trong thời gian tới?
Lợi thế là, như tôi đã nói, năng lượng tái tạo là loại năng lượng rẻ nhất con người có thể có. Nếu bạn tạo ra những tấm pin mặt trời và tuabin gió, bạn có thể tạo ra điện với chi phí rẻ hơn. Một lợi thế nữa của năng lượng mặt trời là bạn có thể mang nó đến những vùng xa xôi nhất, trao cho các cộng đồng địa phương quyền sở hữu nguồn năng lượng của họ.
Tôi nghĩ điều đó thật là tuyệt vời.
Về nhược điểm, dĩ nhiên là chúng ta phải trải qua một số thay đổi mang tính cốt lõi. Lưới điện hiện tại được dựa trên điện than và nhiên liệu hóa thạch nói chung. Vì thế để thay đổi bạn cần đầu tư lớn. Chúng ta cũng cần nâng cấp lưới điện để truyền tải điện. Và nếu sử dụng năng lượng tái tạo, bạn cũng biết rằng nó sẽ phụ thuộc điều kiện (tự nhiên) một chút, như là khi ít nắng thì sẽ có ít điện hơn.
Tuy nhiên, rõ ràng so với những khó khăn, việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn mang lại nhiều lợi thế hơn. Trước hết, Việt Nam sẽ không cần phụ vào năng lượng nhập khẩu như nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài nữa. Việt Nam có thể tự chủ và chúng ta không cần sử dụng than đá, nguồn năng lượng "bẩn". Thứ hai, chất lượng không khí sẽ tốt hơn và giá thành của nó cũng rẻ hơn nhiều.
-
Ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau ở cả Bộ Ngoại giao Hà Lan lẫn Ủy ban châu Âu. Ông thấy làm việc ở cơ quan châu Âu so với trong nước có điểm gì giống và điểm gì khác nhau? Ông thích làm việc ở nơi nào hơn?
Khi làm việc trong một cơ quan quốc gia, tôi được làm việc với đồng hương. Khi làm việc trong Ủy ban châu Âu, tôi làm việc với những người đến từ 27 quốc gia thành viên khác nhau. Đó là một cách làm việc hoàn toàn khác, và tôi cần phải nhận thức được về sự khác biệt văn hóa. Người ở các nền văn hóa khác nhau giao tiếp theo một cách khác nhau. Người Hà Lan chúng tôi thẳng thắn, nhưng người từ các nền văn hóa khác ở EU kiềm chế hơn nhiều và tôi cần hiểu điều đó nếu muốn làm việc tốt. Tôi có nhiều cảm hứng khi làm việc trong một môi trường đa văn hóa và môi trường đa quốc gia.
-
Vì sao ông muốn làm chính trị? Đâu là thời điểm quyết định?
Khi tôi học đại học, tôi từng nghĩ mình sẽ là một nhà văn, nên đã học văn học Pháp. Sau đó, tôi học luật bởi tôi có xuất thân từ tầng lớp lao động. Nỗi sợ hãi lớn nhất của những người xuất thân từ tầng lớp lao động là thất nghiệp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi tôi học văn học Pháp, tôi có thể sẽ không bao giờ tìm được việc làm.
Vì vậy, tôi chuyển sang học luật, và bị cuốn hút bởi luật châu Âu và quan hệ quốc tế, vào thời điểm căng thẳng Chiến tranh Lạnh lên cao nhất. Tôi đã gặp nhiều đồng nghiệp của cha tôi, và dần dần nảy sinh ý tưởng tôi muốn trở thành ngoại giao.
-
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng xanh của Việt Nam?
Việt Nam có 3.000 km bờ biển, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam có nguồn năng lượng gió khổng lồ. Với tuabin gió, chúng ta có thể tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ. Việt Nam cũng có năng lượng mặt trời - loại năng lượng rẻ nhất trên thế giới. Điều đó có nghĩa Việt Nam có thể trở thành một phần của nền kinh tế hydro,...
-
Đầu tuần này, Chủ tịch COP26 Alok Sharma của Anh đã thăm Việt Nam. Và bây giờ, Việt Nam có vinh dự được đón tiếp ông. Trong tuần tới đây, có thông tin rằng Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cũng sẽ thăm Việt Nam. Theo ông, điều này nói lên gì về vai trò của VN trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu?
Ban đầu không ai nghĩ một quốc gia đang phát triển sẽ có bước đi tiến bộ và tham vọng đến vậy. Do đó, những cam kết của Việt Nam ngay lập tức thu hút sự chú ý quốc tế. Tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tôi đại diện cho EU cùng Chủ tịch COP26 Alok Sharma hay ông John Kerry, đặc phái viên Mỹ về Khí hậu, sẽ cùng làm việc với các nhà lãnh đạo vì như tôi đã nói, điều quan trọng nhất là chuyển đổi những tham vọng này bằng các biện pháp cụ thể. Làm thế nào để bạn thu hút được nhiều người hơn cung tham gia trong việc tạo ra năng lượng mới? Bạn sẽ làm gì để các thành phố xanh hơn? Để giảm lượng khí thải và cải thiện chất lượng không khí? Đây là những nhiệm vụ cụ thể chúng ta cần làm việc cùng nhau để giải quyết.
-
Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa EU và Việt Nam trong thời gian qua? Theo ông, hai bên có thể tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa mối quan hệ trong lĩnh vực nào?
Tại Liên minh châu Âu, chúng tôi đã dõi theo sự phát triển của Việt Nam với rất nhiều sự ngưỡng mộ. Chúng ta đã đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do quan trọng. Điều này cho thấy châu Âu quan tâm đến Việt Nam thế nào. Ký kết Hiệp định Thương mại Tự do không phải là việc dễ dàng, nhưng với Việt Nam, chuyện này lại tương đối đơn giản.
Sự phát triển bùng nổ của Việt Nam là một nơi châu Âu nhận thấy những lợi ích rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm các mục tiêu chung, lợi ích chung, và đặc biệt là kể từ khi Thủ tướng Việt Nam tuyên bố tại Glasgow rằng Việt Nam muốn trung hòa carbon vào năm 2050. Chúng tôi đã thúc đẩy mối quan hệ này. Đó cũng là lý do tôi có mặt ở đây.
-
Đây có phải lần đầu tiên ông tới Việt Nam? Cảm nhận đầu tiên của ông khi đến Việt Nam là gì? Việt Nam có khác so với kỳ vọng của ông không?
Dù là Hà Nội hay Việt Nam, đây là cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây. Sau khi hạ cánh và được thăm thú thành phố, ấn tượng đầu tiên của tôi là xe máy và sự tiếp đón nồng hậu tôi nhận được từ chính phủ Việt Nam.
-
Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu tại COP26 của Việt Nam? Theo ông, Việt Nam cần làm những gì để có thể đạt được những mục tiêu đó?
Cam kết trên có thể thực hiện, nếu như Việt Nam lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Ở châu Âu, chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi muốn đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050, do đó, chúng tôi muốn giảm lượng khí thải xuống ít nhất 55% vào năm 2030. Và để đạt được điều đó, chúng tôi cần phải đưa ra các kế hoạch ngay từ bây giờ. Đó cũng là điều tôi đã nhấn mạnh trong chuyến thăm tới Việt Nam. Thật tốt khi có mục tiêu dài hạn, nhưng chỉ có thể đạt được mục tiêu đó nếu bắt đầu lập kế hoạch và thực hiện.
-
Ông là người Hà Lan, nhưng từng sống nhiều năm ở Bỉ và Italy khi còn nhỏ. Vậy ông cổ vũ cho đội tuyển nào tại Europa và World Cup?
Đội Hà Lan, tất nhiên rồi. Bạn biết không điều buồn cười của việc sống ở nước ngoài là bạn ý thức rõ ràng hơn về quốc tịch và nền văn hóa của mình. Tôi khá chắc chắn rất nhiều người Việt Nam trong cộng đồng ở nước ngoài cảm thấy họ "thuần Việt" hơn người sống ở Việt Nam. Tôi thấy mình rất "thuần Hà Lan" vì tôi được chạm trán bởi những điều khác Hà Lan mỗi ngày.
Đội tuyển của tôi là đội "da cam", tất nhiên.
-
Bí quyết thành thạo nhiều ngoại ngữ của ông là gì?
Tôi sống ở nước ngoài, du lịch vòng quanh thế giới với bố mẹ. Tôi rời Hà Lan khi 3 tuổi, tôi đến Paris và học tiếng Pháp. Rồi tôi được học các trường nói tiếng Anh. Ngoài ra, người Hà Lan ở vùng của tôi thường học thêm tiếng Đức. Tôi cũng sống ở Italy trong 4 năm. Tôi học tiếng Nga khi phục vụ trong quân ngũ ở Hà Lan.
Bí mật trong việc học ư? Có thể là nói bố mẹ bạn du lịch vòng quanh thế giới? Bí mật là học từ sớm, vì thế tôi khuyến khích mọi người học ngoại ngữ ngay khi có thể. Dạy con bạn nhiều thứ tiếng, việc đó cũng tương tự rèn luyện cho bộ não của chúng.