Trong khuôn khổ kỳ họp về kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 của TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trình bày về nhiều điểm nghẽn trong quá trình đầu tư công.
Theo ông Hoan, việc đầu tư công đang vướng mắc ở một số vấn đề chính như nguồn lực thực hiện; phương án tài chính sau khi hoàn thành dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Người dân di dời cần 5-10 năm để ổn định cuộc sống
Ông Hoan khẳng định bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đang là bài toán rất khó và sẽ còn khó hơn khi thực hiện dự án.
Phó chủ tịch TP.HCM chỉ ra một trong những nguyên nhân là đơn giá bồi thường của Nhà nước không sát với thị trường và có sự chênh lệch với giá bồi thường dự án của tư nhân nên có sự so bì.
"Việc bồi thường khó khăn, người dân khiếu kiện nhiều. Khi phương án bồi thường được duyệt, đến lúc triển khai chậm trễ, lại đội vốn bồi thường, dự án phải bị dừng. Không thực hiện được dự án thì quy hoạch treo, dân lại khiếu kiện. Đây là một vòng luẩn quẩn từ khâu cơ bản nhất là giá bồi thường", ông Hoan phân tích.
Ông cũng chỉ ra một bất cập là khi tính toán đơn giá bồi thường, các cơ quan chức năng chỉ tập trung vào mỗi giá đất mà chưa quan tâm những thiệt hại khác người dân phải chịu khi di dời chỗ ở.
"Người dân rời khỏi nhà cửa, cần ít nhất 5-10 năm để ổn định cuộc sống. Giờ chúng ta không quan tâm chuyện đó, chỉ tính giá bồi thường đất, cứ nghĩ cao là được. Nhưng đó chỉ thuần túy là giá đất, còn thu nhập, việc làm, học nghề của người dân phải có lại chưa tính đủ, tính đúng. Phải chăng ngoài bồi thường đất, còn phải tính thiệt thòi của người dân khi di chuyển đến nơi khác để hỗ trợ", ông Hoan nói.
Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng việc bồi thường hiện nay chưa tính đến những khó khăn người dân phải chịu khi xa rời nơi định cư lâu năm. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng công tác tái định cư cũng còn nhiều bất cập. Đơn cử chính quyền vừa bồi thường cho người dân để lấy đất làm dự án, vừa phải bồi thường người dân nơi khác để lấy đất làm tái định cư, đối diện nhiều khiếu kiện.
Kế tiếp, chất lượng nhà tái định cư chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, tâm lý của người dân vốn thích ở nhà riêng.
Ông Hoan cho rằng nếu giải quyết được vấn đề căn cơ là đơn giá bồi thường, hỗ trợ người dân có thể tự mua đất, mua nhà đúng nhu cầu. Khi đó, TP.HCM cũng không cần làm nhiều nhà tái định cư nữa.
Ông Hoan kiến nghị giải pháp xây dựng giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung phương án hỗ trợ tính đúng, tính đủ thiệt hại khi người dân phải di dời đến nơi ở mới theo đầu người mỗi năm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh khung giá bồi thường hoặc cho TP.HCM nói riêng và những đô thị lớn nói chung hệ số điều chỉnh đặc thù phù hợp.
"Khung giá áp dụng chung cho các tỉnh mà áp lên TP.HCM là không phù hợp. Thị trường biến động hàng ngày chứ không phải hàng năm. Khi có chính sách đặc thù, hệ số quy đổi riêng thì mới làm được bảng giá bồi thường khu vực", ông Hoan nói.
Đừng ôm dự án
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch TP.HCM cũng cho biết TP có rất nhiều dự án lớn cần đầu tư nhưng ngân sách rất hạn chế. Do đó, phải huy động nguồn lực xã hội trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài. Dù TP nhấn mạnh việc xã hội hóa, thực tế lâu nay nhiều dự án vẫn thực hiện trong tư thế dựa dẫm vào ngân sách.
"Ai cũng nói xã hội hóa nhưng khi triển khai vẫn tập trung vào ngân sách, vẫn muốn ôm những dự án lớn. Mà dự án dùng ngân sách triển khai rất khó. Luật đầu tư công tới đây điều chỉnh sẽ quản lý càng chặt. Từ lúc nghiên cứu đến tổ chức thi công rồi vận hành tốn cả 3 đến 5 năm. Do đó, có bảng giá để triển khai nhưng đến khi làm là trượt giá, công trình tính toán một đồng nhưng hoàn thành là 2-3 đồng", ông Hoan nêu thực trạng.
Phó chủ tịch TP.HCM cũng cho rằng nhiều cơ quan ban ngành chưa quan tâm hiệu quả tài chính khi hoàn thành dự án. Hậu quả là dự án xây dựng xong phần khung nhưng trang thiết bị bên trong không được đầu tư đúng mức, bộ máy tổ chức vận hành hoạt động không hiệu quả.
Ông đề nghị các quận, huyện, sở, ngành cần thay đổi tư duy với các dự án đầu tư công với mục tiêu đã đầu tư thì phải hiệu quả, nếu không phải kêu gọi đầu tư từ bên ngoài.
Với các dự án bắt buộc phải đầu tư công, cần nghiên cứu phương án tài chính, hoàn vốn hiệu quả trong mộ thời gian nhất định. Nếu dự án chưa triển khai, rà soát tính chất, mục tiêu, chuyển sang kêu gọi đầu tư nếu phù hợp. Dự án đang triển khai nhưng hoạt động ì ạch cần nghiên cứu đấu thầu chọn nhà đầu tư vận hành. TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu đưa ra quy định về vấn đề này.
"Chúng ta đấu thầu đâu có mất tiền xây dựng. Chính quyền tăng thu ngân sách từ đấu giá, đấu thầu, từ hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp lại giảm chi ngân sách cho bộ máy vận hành. Còn doanh nghiệp đầu tư chất lượng hơn cả chúng ta vì đó là sinh mệnh của họ. Cuối cùng người dân hưởng lợi", ông Hoan phân tích.