Theo Moment Mag, TikTok là gã khổng lồ trong thế giới giải trí và truyền thông xã hội. Số người dùng nền tảng này đã tăng gấp đôi trong 2022 lên hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới. Phần lớn trong số họ là Gen Z (những người từ 25 tuổi trở xuống).
Khi TikTok ra mắt vào năm 2016, các video chỉ dài 15 giây. Thời lượng tối đa được kéo dài lên 60 giây vào năm 2017, lên 3 phút năm 2021 và 10 phút vào năm 2022. Một bài viết trên tạp chí Wired xuất bản cuối năm 2022 chỉ ra các video TikTok phổ biến nhất có độ dài từ 21-34 giây và người dùng trung bình đã mở ứng dụng 17 lần một ngày, dành tổng cộng một giờ 25 phút để xem video.
Cũng bởi lượng người dùng quá lớn và độ tuổi trẻ nên việc TikTok hay Facebook tràn ngập những nội dung độc hại, phản cảm đang gây lo ngại, tranh cãi.
Ngập tràn phim ngắn có nội dung dung tục, nhạy cảm
Xu hướng rất phổ biến trên Facebook và TikTok là sản xuất những đoạn video ngắn từ những nhóm làm phim nghiệp dư. Tuy nhiên, rất nhiều video trong số đó có nội dung nhảm nhí, không có giá trị. Nhiều kênh thậm chí sản xuất những video phản cảm, diễn viên kém cỏi.
“Con dâu cao tay sống chung với mẹ chồng nhưng vẫn được bố chồng đặc biệt quan tâm” là một video đăng trên kênh S******. Video bắt đầu bằng cảnh bố chồng vào nhà tắm và cưỡng hiếp con dâu. Không bàn tới diễn xuất gượng gạo, kịch bản video khiến khán giả phản ứng dữ dội vì quá dung tục, nhảm nhí.
“Đóng phim toàn suy đồi đạo đức. Làm ơn bỏ mấy cái hư hỏng này đi để trẻ con chúng không bị ảnh hưởng sớm”, là bình luận nhận hàng trăm lượt thích dưới video.
Nhiều khán giả khác đồng tình: "Nội dung kém cỏi từ kịch bản, đạo diễn tới diễn viên", "Người thiếu văn hóa mới thực hiện những video như thế này", "Những video như này cũng đăng lên mạng xã hội được, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ quá".
Các video có nội dung tiêu cực, độc hại xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. |
Tuy nhiên, bất chấp phản ứng tiêu cực của khán giả, kênh Facebook nói trên có hàng chục video khác với nội dung tương tự. Các video đều xoay quanh nội dung tình dục với tiêu đề ẩn ý nhằm câu view như: “Chồng chưa xanh cỏ mà vợ đã đi tìm hạnh phúc mới, ai ngờ bị bố chồng bắt gặp”, “Nuôi ong tay áo, gái xinh thay chị họ chăm sóc anh rể trong lúc mang bầu”, “Thấy chị dâu thiếu thốn tình cảm của anh trai, em chồng liền đứng ra để bù đắp tình cảm”… Đáng nói, các video đều nhận hàng chục nghìn lượt xem.
Nội dung ngoại tình, đánh ghen, cuộc đời gái mại dâm, sugar baby… đang xuất hiện tràn lan trên Facebook, TikTok. Kênh Ghien******* thậm chí có video hướng dẫn làm… sugar baby. Sugar Baby chỉ những cô gái quan hệ tình cảm để nhận được tiền, quà tặng, hỗ trợ lợi ích tài chính và vật chất từ người khác.
Trong video có tiêu đề “Tuyệt chiêu để trở thành một Sugar Baby chính hiệu”, nhân vật nữ chỉ cách cho các cô gái khác để phân biệt “daddy” xịn hay dởm. Các video khác của kênh này cũng chủ yếu về đề tài sugar baby, người giúp việc ngoại tình với ông chủ… Các nhân vật trong video mặc đồ hở hang, khoe thân. Kênh này cũng tồn tại trên Facebook và đương nhiên nội dung video cũng khiến không ít khán giả ngao ngán vì nhảm nhí, dung tục.
Trong khi đó, những kênh khác của Facebook, TikTok sản xuất loạt video với nội dung được đánh giá là vô giá trị như thanh niên giả gay để ở chung với con gái, mẹ chồng hành hạ con dâu, người chồng lớn tuổi ngoại tình bị vợ phát hiện… Tình tiết trong các video thường bị làm quá, đôi khi phi thực tế, lời thoại cũng không chỉn chu, thậm chí khi ẩn ý khi lại vô duyên, dung tục.
Những tiêu đề như “Chồng ngoại tềnh với thư ký dáng ngọt, vợ âm thầm lật bài ngửa”, “Thanh niên giả ‘bánh bèo’ để ở chung với chị đẹp ngọt nước và cái kết”, “Anh thợ hồ số hưởng, lụm luôn con gái rượu của phú hộ”… và nội dung của nó khiến khán giả đặt câu hỏi các video vô giá trị như trên tại sao có thể xuất hiện liên tục trên Facebook, TikTok mà không có bất cứ sự hạn chế nào.
Đáng nói, các video trên TikTok, Facebook được đề xuất dựa trên tìm kiếm và lịch sử. Do đó, sau khi xem một video, hàng loạt nội dung tương tự xuất hiện trên trang cá nhân của người dùng.
Nội dung độc hại ảnh hưởng đến tư duy, thẩm mỹ của khán giả
Trao đổi với Zing, Dũng Nghệ - đạo diễn của loạt phim truyền hình như Cảnh sát hình sự, Hồ sơ tội ác… - nhận định các nội dung trên TikTok, Facebook thường không được đầu tư về kịch bản, bối cảnh, diễn xuất. Những video như thế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người xem.
“Về chất lượng nội dung kịch bản, đội ngũ biên kịch cũng lấy từ chất liệu cuộc sống. Tuy nhiên, những câu chuyện, tình huống đó không mang tính điển hình và bị làm quá nhằm mục đích câu view là chính. Chúng không được xử lý một cách sâu sắc để phản ánh hiện tượng xã hội và mang đến cho khán giả những thông điệp tích cực”, đạo diễn nói với Zing.
Các nhân vật nữ trong video trên TikTok, Facebook. |
Anh cho biết thêm: “Thời lượng ngắn ngủi, ghi hình qua loa, diễn xuất sống sượng của các diễn viên không chuyên, không có nghề, càng làm cho những clip ngắn kiểu này trở nên tệ, thậm chí phản cảm. Nhưng có một sự thật đáng buồn là những clip độc hại kiểu này đang ngày một nhiều và thu hút được đông đảo người xem trên các nền tảng mạng xã hội. Về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, thẩm mỹ, khiến khán giả, đặc biệt trẻ nhỏ có cái nhìn lệch lạc về con người và xã hội mình đang sống”.
Trong cuộc họp báo gần đây, khi được hỏi về tình trạng web drama tràn ngập nội dung, cảnh quay phản cảm, bà Lý Phương Dung - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết những năm qua đã nhiều lần xử tình trạng này. Gần đây, Cục Điện ảnh đã kiểm tra và báo cáo tình hình cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Có nhiều nội dung trên không gian mạng theo Luật Điện ảnh không được xếp là phim. Còn nếu là phim phải tuân theo Luật Điện ảnh, tức đơn vị sản xuất tự phân loại. Trong trường hợp không tự phân loại được có thể gửi đến cơ quan để hỗ trợ vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế biến động nhanh, các phim hoặc nội dung trên không gian mạng vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh và chúng ta cần nghiêm túc trao đổi để điều chỉnh. Chúng tôi cũng đã có những đề xuất để nâng cao chất lượng”, bà Lý Phương Dung cho biết.
8 cuốn sách về mạng xã hội
Công nghệ là tiền đề và động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, con người có thể kết nối với nhau dù ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng có những mặt trái không thể phủ nhận. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả có thể khai thác.
Qua cuốn The Twittering Machine, Richard Seymour đã phân tích kỹ lưỡng về những tác động tàn phá của “ngành công nghiệp mạng xã hội” đến đời sống cá nhân của con người. Tác giả chỉ ra cách các thông báo (notification) trên mạng xã hội đều hướng đến việc duy trì các chu kỳ tương tác dễ gây nghiện và trầm cảm.