Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Phim 'Ma da' của Việt Hương - vụng về, cũ kỹ

"Ma da" là phim kinh dị Việt hiếm hoi khai thác truyền thuyết dân gian về oan hồn vùng sông nước. Song, tác phẩm gây thất vọng vì kịch bản vụng về, đầy lỗ hổng.

Genre: Kinh dị
Director: Nguyễn Hữu Hoàng
Cast: Việt Hương, Dạ Chúc, Trung Dân, Thành Lộc...
Rating: 4/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Trong phim, Việt Hương hóa thân Lệ, một người đàn bà hành nghề vớt xác với vẻ ngoài lam lũ, khắc khổ. Chồng mất sớm, nhân vật sống đơn độc cùng con gái nhỏ tại căn chòi ven sông. Cứ mỗi lần mò sông trục xác, bà Lệ phải thực hiện đầy đủ nghi thức cúng bái để mọi điều diễn ra suôn sẻ, dẫn dắt người chết tìm về được nhà.

Thế nhưng, bi kịch xảy ra sau lần bà Lệ vớt xác của cậu bé tên Hiếu. Theo lời một người đàn ông trong xóm, Hiếu chết đuối do bị “ma da kéo giò”. Việc gây thù chuốc oán với nó đã đẩy gia đình bà Lệ rơi vào tình thế nguy hiểm. Không lâu sau, Nhung, con gái bà, bị ma da kéo xuống sông rồi mất tích.

Lãng phí ý tưởng

Ý tưởng làm phim về ma da thực chất không tồi. Đây vốn là truyền thuyết kinh dị nổi tiếng, với nhiều “dị bản” ở mỗi quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, ma da xuất hiện trong không ít bài vè, đồng dao, hay chuyện kể dân gian. Cuốn Ma quỷ dân gian ký của Duy Văn mô tả ma da là linh hồn người chết đuối mang nhiều oán hận. Chúng chưa thể siêu thoát, phải ở lại dưới đáy sông hồ lạnh lẽo. Muốn đầu thai hay tìm kẻ bầu bạn, ma da tìm cách kéo người ta xuống nước.

Ma da,  Viet Huong anh 1

Ngân sách phim theo tiết lộ vào khoảng 35 tỷ đồng.

Cách đứa con tinh thần của Nguyễn Hữu Hoàng khắc họa chân dung ma da bám khá sát câu chuyện dân gian. Ngoài việc lật mở bí ẩn đằng sau oan hồn này, ý tưởng phim còn cho thấy tiềm năng khi mang đến góc nhìn cận cảnh về nghề trục xác - điều trước đây hiếm khi được tái hiện trên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa bà Lệ - bé Nhung cũng là một mắt xích quan trọng trong đường dây kịch bản.

Song dù có ý tưởng ăn điểm, những gì diễn ra thực tế xuyên suốt thời lượng 95 phút của Ma da lại gây thất vọng không ít.

Phim lấy bối cảnh khu xóm nhỏ ven sông, nơi nhiều người liên tục chết đuối kỳ dị, khiến lòng dân bất an. Hành nghề vớt xác, bà Lệ liên tục phải đối mặt với nguy hiểm, gánh chịu nhiều điều tiếng. Nhân vật không quản khó khăn, bất kể khi nào hay tin có người đuối nước lại ra sông tìm kiếm, trục vớt thi thể bất kể sáng khuya. Thậm chí bà Lệ còn vì thế mà lỡ hẹn, không kịp về tổ chức sinh nhật cho con gái.

Không dưới 3 lần, nhân vật được dặn dò, cảnh báo nên bỏ nghề. Thế nhưng xuyên suốt bộ phim, người xem vẫn không biết vì sao bà Lệ phải sống chết gắn bó với nó như thế. Nếu nói bà Lệ cần tiền không phải, bởi nghề này không đem lại cho gia đình nhân vật cuộc sống dư giả. Còn nếu nói vì bà “yêu nghề” cũng quá khiên cưỡng, khi điều này chỉ được giải thích qua loa bằng một cảnh hồi tưởng, cùng câu thoại “nghề nó chọn con chứ con đâu có chọn nghề” hồi đầu phim.

Theo lời bà Lệ, bà hành nghề vớt xác vì “có căn”. Lời giải thích này rõ ràng không đủ sức nặng và tính thuyết phục để người xem đồng cảm với hành trình của nhân vật.

Ma da,  Viet Huong anh 2

Khâu bối cảnh làm tốt, thành công tái hiện vẻ ghê rợn của vùng sông nước mênh mông.

Chất liệu cũ kỹ

Thay vì đi sâu khám phá những bí ẩn, góc khuất của nghề trục xác, biên kịch dần sa đà vào câu chuyện “hù ma” với những tình tiết cẩu thả, dễ đoán. Cơn ác mộng ập đến sớm khi bé Nhung vô tình nhặt được con búp bê bí ẩn trên đường đi học. Cũng từ đây, nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra, dọa cho con gái bà Lệ sợ hãi bạt vía.

Việc biên kịch sắp đặt biến cố xảy ra với nhân vật tỏ ra khiên cưỡng. Bởi không vì nguyên nhân gì, một cô bé đang muộn học lại cất công nhặt con búp bê quỷ dị, xấu xí, nằm nhơ nhớp ven sông rồi ôm nó theo mọi lúc mọi nơi.

Sự ngô nghê quá mức của nhân vật cũng không ít lần khiến người xem ức chế, từ việc là người nhút nhát nhưng luôn tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, hồn nhiên nghe theo những lời gọi rùng rợn, hay thấy ma quỷ nhưng chỉ biết trơ mắt đứng nhìn...

Xuyên suốt hành trình phát triển lũy tiến của chuyện phim, tâm lý nhân vật Nhung nghèo nàn đến đáng thương, chỉ xoay quanh trạng thái sợ hãi mà gần như không có sự thay đổi, trưởng thành. Cách xây dựng nhân vật cho thấy sự lỗi thời trong tư duy biên kịch, bởi khán giả dòng phim kinh dị giờ đây thích được chứng kiến những motif nhân vật chủ động, thông minh hơn.

Song ít nhất, sự bị động của Nhung còn có thể giải thích bằng nét hồn nhiên, non nớt của đứa trẻ mồ côi cha, trong khi mẹ bận bịu công việc. Còn với bà Lệ, dù hàng ngày tiếp xúc với người chết, chứng kiến dân làng liên tục đuối nước bí ẩn và kể cả khi biết được có “người phụ nữ kỳ dị muốn bắt con đi” theo lời kể của Nhung, lại vẫn tỏ ra thờ ơ tới mức khó hiểu.

Để rồi khi con mất tích, giọt nước mắt của nhân vật rơi vô giá trị, lại càng khó khơi gợi đồng cảm nơi người xem. Bởi trước đó, bà Lệ không hề sốt sắng lo cho con, cũng chẳng có động thái bảo vệ chỗ dựa tinh thần duy nhất trước mối nguy hiểm cận kề. Có chăng, giọt nước mắt đó chỉ là sự hối hận muộn màng của bà Lệ.

Ma da,  Viet Huong anh 3

Phim để lộ nhiều lỗi vặt, như việc thoại nhân vật không khớp khẩu hình.

Về khoản hù dọa, đây tiếp tục là điểm trừ của Ma da khi các cảnh jump-scare quá cũ kỹ, dễ đoán, liên tục đẩy âm lượng lớn khiến khán giả đinh tai nhức óc. Việc lạm dụng hiệu ứng nhạc nền ma quái từ đầu tới cuối phim nhằm mồi chài cảm xúc cũng tỏ ra phản tác dụng.

Hóa thân vai chính trong phim, Việt Hương có màn thể hiện ổn, dám lăn xả với nhiều cảnh quay khó, đòi hỏi sức lực. Song, về diễn xuất nội tâm lại chưa để lại ấn tượng vì bản thân bà Lệ không phải vai diễn với những biến chuyển tâm lý ngoạn mục hay tính cách phức tạp.

Khâu dựng cũng kém hiệu quả khi nhiều cảnh bị cắt kém duyên, khiến mạch cảm xúc của người xem đứt đoạn. Thậm chí, cảnh phim bà Lệ “thoát hồn” để đi tìm con với hiệu ứng âm nhạc mang lại cảm giác như phim hành động.

Cái kết bằng plot-twist của Ma da, trên khía cạnh tích cực, đã phần nào đó hóa giải những lỗ hổng kịch bản xuất hiện dày đặc ở hồi 3. Song mặt khác, lại khó làm hài lòng khán giả vì cách xử lý rườm rà, mang tính chất “câu nước mắt” đã lỗi thời.

Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.

Bài liên quan

Kẻ thù truyền kiếp của Người Nhện

Kẻ thù truyền kiếp của Người Nhện

Là một trong những kẻ thù khét tiếng nhất của Spider-Man trong nguyên tác truyện tranh, việc Kraven the Hunter đặt chân lên màn ảnh thu hút nhiều sự chú ý.

Tống Khang

Bạn có thể quan tâm