Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Phim hài đen 'Giải cứu anh thầy' độc lạ nhưng cũng lắm tranh cãi

"Giải cứu anh thầy" là phim hài đen hiếm hoi của điện ảnh Việt. Nguyễn Phi Phi Anh, với lần chạm ngõ màn ảnh rộng, cho thấy sự cựa quậy của một cái tôi nghệ thuật dị biệt.

Genre: Tâm lý, Hài đen, Kỳ ảo
Director: Nguyễn Phi Phi Anh
Cast: Tùng Bùi, Thảo Tươi, Hà Bắc...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

10 năm trước, Nguyễn Phi Phi Anh từng khiến giới mộ điệu trong nước không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn thán phục với một loạt vở kịch như Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối, Mộng ước không xa vời.

2024, tức đã 7 năm kể từ sân khấu kịch cuối cùng của Nguyễn Phi Phi Anh khép lại; có người đôi khi vẫn tự hỏi Phi Anh giờ đang ở đâu? Khi nào làm kịch trở lại? Hay cũng có người đã dần lãng quên cái tên ấy.

Và rồi, Nguyễn Phi Phi Anh cũng đã trở lại, nhưng lần này là ở một địa hạt khác, nơi anh không còn là “cậu bé vàng”, và cũng là nơi Phi Anh phải lần nữa khẳng định bản thân như bao tân binh khác – trước tiên là ở những dự án kinh phí thấp.

Giải cứu anh “thầy” - tác phẩm điện ảnh đầu tay của Phi Anh, cũng không khác quá nhiều người làm ra nó - mang những ý tưởng không giống ai tại Việt Nam.

Giai cuu anh thay,  Nguyen Phi Phi Anh anh 1

Giải cứu anh thầy là phim Việt hiếm hoi thuộc thể loại hài đen.

Câu chuyện được khơi mở bằng yếu tố kỳ ảo

Giải cứu anh “thầy” là một phim tâm lý - xã hội, pha lẫn chất liệu hài đen (black comedy) và kỳ ảo (fantasy). Phim kể về Minh Thấu (Tùng Bùi), một chuyên gia giảng dạy phong cách sống trên mạng, đang khốn khổ vì những món nợ vượt ngoài khả năng chi trả của bản thân.

Em của hắn - Minh Tinh (Thảo Tươi), sau nhiều lần gánh nợ cho Minh Thấu và cũng vì muốn cứu giúp anh trai, đã quyết tâm truy tìm nguyên nhân đằng sau khoản nợ kếch xù đó.

Trên hành trình, cô nhận được sự trợ giúp của Somphom (Hà Bắc) - một người có năng lực phép thuật. Somphom mở ra 3 thực tại giả lập. Ở mỗi thực tại, Minh Thấu sẽ gặp những vấn đề khác nhau, và việc của Minh Tinh là đi vào những cung đường đó, chọn ra thực tại mà vấn đề dễ giải quyết nhất, từ đó có thể giải cứu anh mình.

Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, với việc đảm nhận cả ba vai trò - đạo diễn, biên kịch và sản xuất, dường như đã được trao một không gian sáng tạo tự do. Và Giải cứu anh “thầy”, vì thế, cũng mang đậm tính auteur (điện ảnh tác giả) - thứ trường phái mở ra cơ hội cho các nhà làm phim thực hiện bất cứ thứ gì mình muốn, đưa bất kỳ ý tưởng độc đáo nào của mình lên màn ảnh.

Và có lẽ chính sự tự do trong sáng tạo đó khiến tác phẩm đầu tay của Phi Anh nhận về không ít ý kiến trái chiều. Sau 3 ngày chiếu mù, bộ phim khiến giới phê bình và khán giả tranh luận.

Trong lần chạm ngõ điện ảnh, Phi Phi Anh có nhiều thể nghiệm trong cách kể chuyện, mà nổi bật là việc khai thác hai thể loại kỳ ảo và hài đen vốn không mấy phổ biến tại Việt Nam.

Thực chất, việc sử dụng yếu tố kỳ ảo để khám phá các vấn đề tâm lý - xã hội thời hiện đại vốn đã được Hollywood khai thác rất nhiều vào những năm thập niên 2000, 2010, mà tiêu biểu là những The Truman Show (1998), Eternal sunshine of the spotless mind (2004) hay gần nhất là tác phẩm đoạt giải Oscar Everything everywhere all at once (2022).

Trong các tác phẩm trên, yếu tố kỳ ảo đã tạo ra một thế giới giả tưởng, nơi mà ranh giới của những sự thật hiển nhiên được xóa nhòa, để từ đó, tạo cơ hội cho các nhà làm phim bóc tách các vấn đề tâm lý - xã hội một cách sâu sắc nhất.

Quay lại với Giải cứu anh “thầy”, đứa con tinh thần của Phi Anh cũng dựa trên tiền đề tương tự. Từ những thực tại giả lập được tạo nên bằng phép thuật của Somphom, phim vẽ ra cho khán giả thấy những điều đã và có thể xảy ra khi một con người sa ngã, bứt lìa kết nối với thế giới.

Chất hài đen và thông điệp về sự kết nối

Với chất liệu kỳ ảo, đạo diễn trẻ đã tạo ra bầu không gian cho câu chuyện phát triển. Nhưng trong bộ phim, thể loại để lại dấu ấn rõ rệt nhất, chi phối tình tiết mạnh mẽ nhất, và khiến người ta dễ nhớ về Phi Phi Anh những ngày tháng trước kia nhất, lại là hài đen.

Với định hướng thể loại đó, Phi Phi Anh, khi nói về trầm cảm và mê tín dị đoan, đã hô biến người thành chim; anh cũng tạo nên nhân vật thích ăn bám, sống phụ thuộc để ghép đôi với một nhân vật ái kỷ, ưa việc thao túng; hay châm biếm những kẻ sống ảo, phông bạt bằng những khoản nợ mà chúng khó lòng chi trả.

Những tình huống kể trên có phần phóng đại và phi lý, nhưng lại là chất xúc tác, kết nối cái bi kịch đang hiện hữu với những ảo mộng mà nhân vật tự dựng lên. Chính những ý tưởng táo bạo đó tạo nên sự hài hước mang màu sắc châm biếm cho Giải cứu anh "Thầy", từ đó tách biệt tác phẩm của Phi Anh với bất cứ thứ gì đang diễn ra trên màn ảnh Việt

Sau cùng, thông điệp mà đạo diễn muốn bóc tách, đào xới lại không phải là những cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, trọng tâm của phim là mối quan hệ giữa người với người, mà ở đây là giữa những cá nhân đang ở sâu trong khủng hoảng và người thân xung quanh họ.

Minh Tinh, dù nỗ lực đến mấy, tận tâm đến mấy, hi sinh đến mấy cũng không thể kéo Minh Thấu ra khỏi mớ hỗn độn của bản thân nếu anh ta không muốn và không thể tự thức tỉnh. Đích đến của hành trình chính là việc cô chấp nhận anh trai mình, kể cả ở những khoảnh khắc anh ta tăm tối nhất, yếu đuối nhất.

Tuy nhiên, Giải cứu anh “thầy” có thể sẽ là một trải nghiệm tương đối thách thức với phần đông người xem, nhất là với những ai chưa quen kiểu phim tựa như một trò chơi lắp ráp. Ở đó, mỗi thước phim sẽ là một mảnh ghép, buộc khán giả phải tự mình sắp xếp, chắp nối để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.

Giai cuu anh thay,  Nguyen Phi Phi Anh anh 2

Phim được khen vì sự độc đáo nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Vẫn còn không ít vụng về

Dễ thấy, Giải cứu anh “thầy” với cấu trúc 3 hồi kinh điển của Hollywood, chất fantasy , các tình tiết gây cười mang không khí hài đen và phần âm nhạc mang hơi hướm broadway - phần nhiều giống một bộ phim giải trí đậm chất phương tây hơn là một tác phẩm arthouse (phim nghệ thuật).

Sự lộn xộn, thiếu trọng tâm của hồi mở đầu, mà điển hình là cuộc hội thoại dông dài giữa Minh Thấu và người bạn cũ, đã khiến 10 phút đầu phim trôi qua mà không đọng lại quá nhiều. Cách kể chuyện khó nắm bắt đó vô hình trung trở thành rào cản từ sớm, thách thức sự kiên nhẫn của số đông khán giả.

Chưa kể, việc lạm dụng các cú máy mô phỏng chuyển động camera khi Minh Thấu livestream cũng không cho thấy hiệu quả, ngược lại còn tạo ấn tượng không tốt về mặt thẩm mỹ điện ảnh ngay từ đầu phim. Phải đến khi nhân vật Somphom xuất hiện, tác phẩm mới có sự nhịp nhàng tương đối trong cách kể chuyện.

Ở hồi kết, đoạn Wrap-up cuối phim (trường đoạn sau phần cao trào, nhằm nói lên thông điệp của đạo diễn) lại bị diễn giải dông dài, với những đoạn hội thoại "vô thưởng vô phạt". Có thể, đây tiếp tục là một thể nghiệm của Phi Anh, song thực tế cho thấy nó không đem đến nhiều hiệu quả, nhất là khi cuối phim cần sự trực diện nhất định để lấy cảm xúc người xem.

Cuối cùng, một số đoạn hội thoại trong phim cũng được viết tương đối kịch. Diễn xuất và đài từ của các diễn viên cũng phảng phất màu sắc kịch nghệ. Song đối với Thảo Tươi, nhờ sự duyên dáng và một vai diễn phù hợp, nữ diễn viên đã có một màn trình diễn tương đối ổn. Ngược lại, Minh Thấu, với sự phức tạp trong nội tâm, dường như lại là một “chiếc áo quá rộng” với Tùng Bùi.

Còn với riêng Nguyễn Phi Phi Anh, trong lần chạm ngõ điện ảnh, nam đạo diễn đã cho thấy sự cựa quậy của một cái tôi nghệ thuật dị biệt, hiếm thấy. Song với định hướng làm phim thị trường, hướng đến khán giả đại chúng, Phi Anh thật sự vẫn cần đi tìm sự cân bằng giữa những độc đáo của bản thân và thị hiếu số đông.

Thuận Minh

Bạn có thể quan tâm