"Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động chuyển vật liệu xây dựng tới đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Họ sắp xây dựng một đường băng”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay.
Căng thẳng tại Biển Đông dâng cao trong thời gian gần đây sau nhiều hành động phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
Theo ông Jose, hành động của Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Người phát ngôn này cho biết, Hải quân Philippines đã ghi lại những hình ảnh trên không cho thấy nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng đường băng của Trung Quốc tại đảo.
Truyền thông Đài Loan hôm 5/5 cũng đưa tin quân đội Trung Quốc có thể đang xây dựng công trình quân sự trên Gạc Ma tại Trường Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo các ảnh mới xuất hiện, Trung Quốc đang lấp biển, đổ đất trên Gạc Ma và chuẩn bị xây dựng cở sở vật chất tại đây, trang tin Duowei News của người Trung Quốc hải ngoại và Want China Times của Đài Loan cho hay.
Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.
Giới chuyên gia nhận định đây là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng trên các đảo mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa. Đó là một hành vi gây leo thang căng thẳng nghiêm trọng trên Biển Đông.
Căng thẳng tại Biển Đông dâng cao trong thời gian gần đây sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 phi pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hành động này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc điện đàm ngày 12/5 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông John Kerry lên án động thái hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là “hành động khiêu khích”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn cho rằng Trung Quốc “không phải là bên gây sự trước”. Thậm chí người phát ngôn Hoa Xuân Oánh còn đánh giá Washington đã “sai lầm” và khuyến khích những hành vi khiêu khích.
“Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ cần xem xét việc này một cách thận trọng nếu Mỹ thực sự hy vọng hòa bình trên Thái Bình Dương. Mỹ muốn đóng vai trò như thế nào tại đây?”, người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố tại một cuộc họp báo.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng cảnh báo ông Kerry cần phải “xem xét một cách khách quan và công bằng” tình hình trên Biển Đông và “nói và hành động thận trọng”.