Trước đó, hôm 1/2, ông Harry Roque - người phát ngôn của Tổng thống Philippines Duterte - phát biểu rằng đây là "vấn đề nội bộ mà họ sẽ không can thiệp".
Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Philippines vừa đưa ra ngày 2/2 về cuộc chính biến ở Myanmar được cho là có sức nặng hơn.
Binh lính Myanmar đứng bên trong Tòa thị chính Yangon sau khi chiếm đóng toà nhà vào ngày 2/2. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, trong thông báo chính thức vào ngày 1/2, chính phủ Brunei - nước chủ tịch ASEAN năm 2021 - bày tỏ sự quan tâm đến những diễn biến chính trị mới ở Myanmar. Nước này kêu gọi các bên sử dụng các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN và khuyến khích đối thoại hòa giải, sớm đưa tình hình ở lại bình thường.
Bộ Ngoại giao Indonesia cũng kêu gọi các bên ở Myanmar giữ bình tĩnh và khuyến khích giải quyết bất đồng bằng đối thoại.
Tương tự, Malaysia cho rằng các bên ở Myanmar nên giải quyết những mâu thuẫn về cuộc bầu cử một cách hòa bình.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan có đồng quan điểm, rằng cuộc chính biến ở Myanmar là "công việc nội bộ" và từ chối bình luận thêm.
Vụ chính biến xảy ra vào rạng sáng 1/2, sau nhiều tuần phía quân đội cáo buộc có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020. Kết quả bầu cử vừa qua cho thấy đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành chiến thắng áp đảo. Liên minh của bà Aung San Suu Kyi cũng ủng hộ thay đổi hiến pháp năm 2008, qua đó đe dọa vị thế quyền lực của quân đội trên chính trường.
Nhiều nước phương Tây đã yêu cầu quân đội Myanmar lập tức trả tự do cho bà Suu Kyi cùng các quan chức dân cử. Mỹ nhiều khả năng sẽ ra lệnh trừng phạt đối với Myanmar sau vụ chính biến.