“Mục tiêu của chúng tôi là xua đuổi dân quân biển Trung Quốc và các tàu bè của họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình”, trung tướng Cirilito Sobejana, người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines, ngày 10/5 trả lời CNN Phillipines.
Ông Sobejana cho biết quân đội Philippines sẽ yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte dành ra ngân sách xây dựng trung tâm hậu cần trên đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines chiếm đóng phi pháp.
Ngoài ra, quân đội Philippines còn dự định đặt camera độ phân giải cao có khả năng ghi hình ban đêm để giám sát hoạt động quanh đó, theo Bloomberg.
Philippines cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn hải cảnh nước này tuần tra gần bãi cạn Scarborough hồi cuối tháng 4. Ảnh: Hải cảnh Philippines/AP. |
Căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang trong những tuần gần đây. Hôm 3/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin dùng từ ngữ nặng nề với Bắc Kinh trên Twitter, cáo buộc tàu tuần duyên nước này bị tàu Trung Quốc cản trở ở bãi cạn Scarborough. Dù vậy, Tổng thống Duterte vẫn giữ thái độ thân thiện và gọi Trung Quốc là “ân nhân”.
Hôm 20/3, một cơ quan chính phủ của Philippines - đơn vị phụ trách giám sát Biển Đông - cho biết họ đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu vào ngày 7/3. Vào thời điểm bị phát hiện tại đá Ba Đầu, các tàu cá nói trên đang không đánh bắt.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng khẳng định mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.