Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines đề nghị Nhật hỗ trợ tàu tuần tra Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Manila các tàu bảo vệ bờ biển cỡ lớn để tuần tra Biển Đông.

Tổng thống
Thủ tướng Nhật Bản bắt tay Tổng thống Philippines tại cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC tại Manila, ngày 19/11. Ảnh: Reuters

“Tổng thống Benigno Aquino đề nghị Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cỡ lớn cho cảnh sát biển Philippines và Tokyo sẽ xem xét cụ thể”, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Nhật và Philippines bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận về thiết bị kỹ thuật và công nghệ quân sự. Abe nói ông hoan nghênh thỏa thuận và “nhất trí sớm ký kết văn bản và thực thi sự hợp tác giữa hai nước về thiết bị quốc phòng”.

Thỏa thuận đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản đồng ý trực tiếp đóng góp thiết bị quân sự cho quốc gia khác. Nó cũng là ví dụ cho thấy chương trình nghị sự về an ninh ngày càng cứng rắn của ông Abe.

Thay vì trực tiếp thách thức Trung Quốc bằng cách điều tàu chiến hoặc máy bay tuần tra Biển Đông, Nhật Bản đang giúp các quốc gia thân thiện có tuyên bố tại vùng biển này xây dựng năng lực quân sự.

“Các cuộc đàm phán cần nhiều thời gian, có thể mất một hoặc hai năm trước khi hai nước ký thỏa thuận về thiết bị và công nghệ quốc phòng. Nhật Bản muốn đảm bảo mọi thiết bị được chuyển giao mà không qua bên thứ 3”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật cho biết.

Trong khi đó, nhiều báo cáo cho hay, Tokyo sẽ cung cấp 3 máy bay Beechcraft TC-90 King cho Manila để tuần tra hàng hải tại Biển Đông. Philippines cũng muốn Nhật hỗ trợ nước này các máy bay săn ngầm P3-C.

Dù Tokyo không trực tiếp liên quan tới các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, hòa bình và ổn định tại vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản khi hoạt động thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD của nước này đi qua đây.​

Trung Quốc ngoan cố với yêu sách phi lý, ASEAN phản ứng

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” phi lý, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. “Đường 9 đoạn” chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan.

Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra lập trường chung về hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh nói, việc các nước thành viên đang tìm kiếm các giải pháp hòa bình nhằm thách thức hành động của Trung Quốc là điều không bất ngờ.

“Các quốc gia có quyền thực hiện mọi động thái (phản ứng trước Trung Quốc) miễn là đó là biện pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp”, ông Minh cho biết.

Trong cuộc đối thoại với Tổng thống Philippines hôm 19/11, Tổng thống Mỹ Obama cũng yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động bồi lấp nhằm biến 7 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh đang xây đường băng và các công trình khác tại một số thực thể này.

Cuối tháng 10, Mỹ phái khu trục hạm USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh các đá này và đầu tháng 11, Mỹ điều máy bay ném bom B-52 cho thấy Washington quyết định thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này. 

Ngày 19/11, ông Ngô Thắng Lợi, chỉ huy Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), khẳng định, Hải quân Trung Quốc hạn chế đối mặt với các hành động của Mỹ. Tuy nhiên, ông Ngô cảnh báo họ sẵn sàng đáp trả "hành vi khiêu khích lặp lại của Mỹ với cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông".

Nhật cân nhắc đưa Lực lượng Phòng vệ tới Biển Đông

Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ hôm qua, thủ tướng Nhật Bản cho biết ông lo ngại hoạt động bồi lấp của Trung Quốc và Tokyo sẽ cân nhắc triển khai Lực lượng Phòng vệ tới Biển Đông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm