Rodrigo Duterte, chính trị gia vừa đắc cử cương vị tổng thống Philippines, không thể lái mô tô nước để cắm cờ trên thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông như lời ông đã nói trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Duterte sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp và các bất đồng, Japan Times nhận định.
Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP |
“Tôi sẽ nói với Trung Quốc rằng đừng tuyên bố chủ quyền ở đây. Và tôi cũng không nhấn mạnh nó là của chúng ta”, ông Duterte, người được mệnh danh là Donald Trump của Philippines, chia sẻ quan điểm về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nhà báo trong thời gian chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 9/5.
Cuối ngày 9/5, Duterte cho biết ông sẽ kêu gọi các cuộc đàm phán đa phương về Biển Đông, với sự hiện diện của Mỹ, Nhật Bản và các nước có tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần không đồng ý với các đề xuất tương tự và khăng khăng giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa vào các cuộc đàm phán song phương.
Duterte cũng nói Trung Quốc nên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thay vì đối mặt, hai nước có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực khai thác dầu khí như các đối tác liên doanh. Tuy nhiên, sự thành công của những chính sách này không nằm trong tay Philippines mà trông cậy hoàn toàn vào sự hợp tác của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Philippines cùng Nhật Bản và Mỹ phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như việc chiếm bãi cạn Scarborough, thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Philippines đã đệ đơn kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực. Kết quả cuối cùng của vụ kiện sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, người ta lo ngại tổng thống mới đắc cử của Philippines sẵn sàng bỏ qua tuyên bố của Tòa Trọng tài dù nó ủng hộ quốc gia này. Nếu không, Duterte có thể chỉ coi phán quyết của tòa đơn thuần là ý kiến tham khảo.
Ông Richard Javad Heydarian, trợ lý giáo sư tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận định: “Tổng thống mới đắc cử Duterte dường như sẽ nỗ lực xây dựng lại các kênh đối thoại cấp cao với Trung Quốc cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận phát triển chung, nhằm tăng các khoản đầu tư từ Bắc Kinh vào Manila, đặc biệt trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng”.
Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino, Manila nồng nhiệt đón nhận sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Tuần trước, Nhật Bản hoàn tất thỏa thuận cho Philippines thuê máy bay huấn luyện TC-90.
Tại Đông Nam Á, Philippines đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Mỹ. Tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), hai bên đã đạt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại 5 căn cứ quân sự của Philippines.
Jay Batongbacal, giáo sư tại Đại học Luật Philippines, nhận định: “Tôi cho rằng Duterte sẽ không tiếp tục lập trường cứng rắn của Tổng thống Aquino. Câu hỏi duy nhất hiện nay là ông ấy sẽ chèo lái chính sách ngoại giao của đất nước theo hướng hiệu quả và nhanh chóng như thế nào?”.
Xét về vị trí địa chiến lược hiện tại của Manila, Trung Quốc chắc chắn sẽ đòi hỏi ông Duterte hạ cấp quan hệ an ninh với Nhật Bản để đổi lấy các hợp tác và đầu tư về kinh tế từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là đối tác quan trọng của Manila. Cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là thách thức không nhỏ với chính quyền Duterte.
Rodrigo "Digong" Duterte, người chủ trương cứng rắn với tội phạm và nổi tiếng với lối nói bạt mạng, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Phillipines hôm 9/5.
Duterte từng nói nhiều câu gây tranh cãi trong quá trình vận động tranh cử và được mệnh danh là "Donald Trump của Philippines".
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Tổng thống Aquino kêu gọi các ứng cử viên đoàn kết để ngăn cản Thị trưởng Duterte trở thành người đứng đầu đất nước. Ông cảnh báo rằng nếu Duterte đắc cử, Philippines sẽ quay trở lại chế độ độc tài.