Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Donald Trump của Philippines': văng mạng và tục tĩu

Với những phát ngôn gây sốc về phụ nữ, Trung Quốc hay tội phạm, nhân vật mới đắc cử tổng thống của Philippines được ví với tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5 tại Philippines là Thị trưởng Rodrigo Duterte của thành phố Davao trên đảo Mindanao ở miền Nam.

Duterte, biệt danh Digong, từng là một luật sư. Với những phát ngôn bạt mạng với nhiều lời tục tĩu, các tuyên bố gây tranh cãi về chính sách và hiện được sự ủng hộ lớn từ dân chúng, chính trị gia 71 tuổi được ví như Donald Trump - ứng viên đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2016. 

Không ngại phát ngôn tục tĩu bạt mạng

Duterte nổi tiếng vì không có những phát ngôn như một chính trị gia điển hình. Thay vào đó, ông "nghĩ gì nói nấy". Cũng giống ứng viên Trump của Mỹ, một trong những vấn đề nóng xung quanh Duterte là những phát ngôn sốc về phụ nữ.

Duterte công khai khen ngợi công dụng của Viagra và thừa nhận có hai bà vợ, hai con gái và nhiều cô bồ. Thậm chí, ông này còn có những phát ngôn thô tục hơn Trump, theo CBS. 

Ông từng tuyên bố muốn đốt cờ Singapore, trục xuất sứ quán Australia và trưng bày..."của quý" của mình với bàn dân thiên hạ. 

Ông nói các cô bồ của mình sẽ không tốn kém ngân sách nhà nước vì ông để họ ở các khu ký túc rẻ tiền và khi cần sex thì ông sẽ đi khách sạn ngắn giờ. 

Ứng viên tổng thống Rodrigo Duterte. Ảnh: Straits Times

Trong cuộc vận động tranh cử hồi đầu tháng 4, Duterte đùa cợt về vụ một băng đảng cưỡng hiếp và giết hại nữ tu sĩ người Australia Jacqueline Hamill trong cuộc bạo loạn nhà giam năm 1989.

Duterte mô tả Hamill giống "một nữ diễn viên người Mỹ xinh đẹp". "Tôi rất phẫn nộ vì cô ấy bị cưỡng hiếp. Nhưng cô ấy rất đẹp. Tôi nghĩ thị trưởng lẽ ra phải là người đầu tiên (ngủ với cô ấy). Thật đáng tiếc!”, Duterte nói.

Nhận xét này ngay lập tức gây ra làn sóng chỉ trích ở cả Philippines và trên thế giới đồng thời xuất hiện trên hàng loạt tin bài nóng của báo chí quốc tế.

Hồi tháng 1, ông từng xúc phạm Giáo hoàng Francis khi Đức Thánh cha tới thăm Manila và dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Lời lăng mạ Giáo hoàng Francis gây nên làn sóng chỉ trích khi 86% người Philippines theo Công giáo. Các vị giám mục thẳng thắn kêu gọi người dân "đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên không chỉ nguy hiểm về mặt chính trị mà còn vô trách nhiệm về đạo đức”. 

Trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng ngày 24/4, thị trưởng thành phố Davao được hỏi ông sẽ làm gì nếu một trong những người con của mình sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Duterte không cần suy nghĩ mà lập tức trả lời: “Cho dù đó là một thành viên của gia đình, tôi cũng sẽ giết nó”. Nhưng Duterte sau đó khẳng định, các con của ông không dính vào ma túy.

Tự coi là kẻ sát nhân

Duterte từng khẳng định thành phố Davao là "ốc đảo của luật pháp và trật tự". Duterte tuyên bố ông sẽ săn lùng tội phạm dưới sự giúp đỡ của quân đội cũng như cảnh sát và nếu những kẻ phạm tội chống cự, ông sẽ lệnh "giết chết tất cả".

Ông cam kết khôi phục hình phạt tử hình và tuyên án tử đối với 100.000 tội phạm nếu ông trở thành tổng thống. Do đó, ông cũng được gắn với biệt danh như "Kẻ trừng phạt" hay "Duterte Harry" (dựa theo nhân vật Dirty Harry trong phim Cớm bẩn của Clint Eastwood).

"Chúng ta hãy giết 5 tên tội phạm mỗi tuần. Do đó chúng sẽ bị loại bỏ", ông Duterte tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái.

Thị trưởng Davao cũng đồng ý với nhận xét ông là "sát thủ" khi nhắc tới khoảng thời gian dài làm thị trưởng. "Tôi là sát thủ? Đúng. Đó là sự thật", ông nói.

Ông

 Duterte phát biểu trước những người ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở thủ đô Manila hồi tháng 2. Ảnh: Getty

Ông Duterte từng phạt một du khách không tuân thủ lệnh cấm hút thuốc của thành phố Davao bằng cách bắt người này ăn tàn thuốc. 

Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận những gì Duterte đã làm cho thành phố Davao. Theo Marc Singer, giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị Pacific Strategies and Assessments có trụ sở ở Manila, bằng các biện pháp mạnh tay, Duterte đã đưa Davao thành một trong những thành phố an toàn nhất ở Philippines.

Thách đấu Trung Quốc

Trong buổi chia sẻ kế hoạch về chính sách đối ngoại của các ứng viên hôm 24/4, ông Duterte khẳng định "sẵn sàng hy sinh" để khẳng định chủ quyền của Philippines trên Biển Đông nếu đắc cử.

Vị ứng viên cho biết, nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc ở Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) mà Trung Quốc không chịu tuân thủ phán quyết, thì ông sẽ đi xuồng máy ra bãi cạn Scarborough để cắm quốc kỳ. Tuyên bố của ông Duterte lập tức tạo hiệu ứng dư luận mạnh mẽ tại Philippines.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, lập trường của Duterte về vấn đề Biển Đông khá mù mờ. Ông tuyên bố sẵn sàng hy sinh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Philippines trên Biển Đông trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Mặt khác, ông nói sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh để dàn xếp tranh chấp và không đặt Hải quân Philippines vào tình thế rủi ro.

Nhận định trên Diplomat, đại úy John Ford của quân đội Mỹ cho rằng, phát biểu của Duterte là "cách tiếp cận ngây thơ và tự chuốc lấy thất bại".

Theo ông Ford, đề xuất sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp bãi cạn Scarborough của ông Duterte còn cho thấy sự thiếu tinh tế trong chính sách ngoại giao nói chung và ngoại giao với Trung Quốc nói riêng.

Giải mã sức hút

Leila de Lima, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Philippines và từng là cựu bộ trưởng Tư pháp gọi ông Duterte là "một con quái vật, cần phải bị ngăn chặn bằng mọi cách”.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Benigno Aquino III từng nói thị trưởng Davao "không thích hợp" để trở thành tổng thống và gần nhất, ông kêu gọi các ứng viên hợp lực để ngăn Duterte.

Với nhiều phát ngôn gây sốc và đề xuất chính trị thiếu sắc bén, tại sao Duterte lại thu hút được sự ủng hộ lớn tới vậy?

Theo tờ Los Angles Times, nhiều người Philippines tin rằng đất nước đang cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhạy bén, để giúp họ đối đầu với tham nhũng, nghèo đói, ma túy và tội phạm. Dân chúng nghĩ, với những gì đã làm được cho thành phố Davao, ông Duterte cũng sẽ giúp Philippines thay đổi.

Theo giám đốc công ty tư vấn rủi ro chính trị Pacific Strategies and Assessments, dù chiến dịch tranh cử của Duterte ồn ào nhưng không thực chất.

“Khác với khi nhắc tới nền tảng luật pháp và trật tự, Duterte nói rất ít về kế hoạch của ông đối với đất nước. Tuy nhiên, ông ấy thể hiện được mong mỏi của người dân Philippines về một sự thay đổi”, Singer nhận xét.

Trong khi đó, theo Straits Times, nhiều ngư dân Philippines nói sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên đủ mạnh mẽ để đối phó với sự quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông. Với những tuyên bố cứng rắn, sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh về tranh chấp bãi cạn Scarborough, ông Duterte đã lấy lòng được số lượng lớn cử tri.

Bên cạnh đó, những tuyên bố của ông Duterte về việc "nghiền nát" các phần tử Hồi giáo nổi dậy hay những kẻ bắt cóc tống tiền dường như có sức lôi cuốn, tương tự cam kết sẽ chăm sóc tốt hơn cho binh sĩ, hay xem an ninh quốc gia là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Philippines bầu tổng thống mới giữa căng thẳng với TQ

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra hôm nay 9/5 thu hút dư luận quốc tế một phần vì Manila đang đối đầu với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm