Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines bầu tổng thống mới giữa căng thẳng với TQ

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra hôm nay 9/5 thu hút dư luận quốc tế một phần vì Manila đang đối đầu với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Người dân Philippines sẽ bầu ra một dàn lãnh đạo hoàn toàn mới cho đất nước. Đó là một tân tổng thống và phó tổng thống, một nửa số ghế ở Thượng viện, toàn bộ Hạ viện, và hàng nghìn quan chức cấp địa phương, từ tỉnh trưởng, thị trưởng, và hội đồng lập pháp...

Cuộc chạy đua chức tổng thống Philippines diễn ra giữa 5 ứng viên.

bau cu tong thong Philippines anh 1
5 ứng viên cho chức tổng thống Philippines. Ảnh: CNN

"Donald Trump của phương Đông"

Ứng viên hàng đầu trong cuộc đua trở thành tổng thống là thị trưởng Rodrigo Duterte của thành phố Davao. Theo CNN, một thăm dò ngày 6/5 cho biết ông Duterte đạt tỷ lệ ủng hộ là 33%, theo sau là đối thủ Grace Poe (22%) và Max Roxas (20%). Các ứng viên Jejomar Binay và Miriam Defensor-Santiago lần lượt được 13% và chỉ 2%.

Tuy nhiên, Duterte cũng được ví như "Donald Trump" của Philippines vì những phát ngôn gây tranh cãi, không giống ai, thậm chí có phần cực đoan (như tử hình 10.000 tội phạm, phê phán Giáo hoàng Francis dù phần đông dân số Philippines theo Công giáo). 

Việc ông dẫn đầu mọi cuộc thăm dò khiến giới chức Philippines rất lo ngại Duterte sẽ chiến thắng. Thậm chí, hôm 4/5, Tổng thống Philippines đương nhiệm Benigno Aquino phải lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ đoàn kết để ngăn chặn Duterte.

bau cu tong thong Philippines anh 2
Thị trưởng Duterte nổi tiếng vì những phát ngôn gây tranh cãi nhưng rất được dân chúng ủng hộ. Ảnh: CNN

Duterte hiểu rõ luồng dư luận chống đối ông. Tuy nhiên, thị trưởng Davao không ngại đe dọa giải tán cả quốc hội nếu cơ quan này có ý định phế truất trong trường hợp ông đắc cử tổng thống.

Về chính sách đối ngoại, Duterte tự nhận ông cảnh giác với liên minh quân sự Philippines - Mỹ.

Lập trường của Duerte về vấn đề Biển Đông khá mù mờ. Một mặt, ông tuyên bố sẵn sàng hy sinh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Philippines trên Biển Đông trước sự xâm lấn của Trung Quốc, khẳng định sẽ thách thức Bắc Kinh bằng cách đi xuồng máy ra bãi Scarborough để cắm quốc kỳ.

Mặt khác, vị thị trưởng nói sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc để dàn xếp tranh chấp và không đặt hải quân Philippines vào tình thế rủi ro.

Grace Poe

Là gương mặt mới trong chính trường Philippines, Thượng nghị sĩ Grace Poe (47 tuổi) ủng hộ các chính sách của chính quyền Tổng thống Aquino về tranh chấp ở Biển Đông.

Bà cũng ủng hộ việc Manila quyết tâm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Poe cũng để mở khả năng đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc.

bau cu tong thong Philippines anh 3
Thượng nghị sĩ Grace Poe. Ảnh: CNN

Poe vốn là con nuôi của một gia đình diễn viên điện ảnh rất nổi tiếng và được yêu mến ở Philippines. Bà từng có thời gian dài sống Mỹ, và chỉ mới đắc cử vào Thượng viện hồi năm 2013. Những yếu tố này từng suýt tước mất tư cách tranh cử của bà.

Max Roxas

Nhà đầu tư ngân hàng Max Roxas (58 tuổi) là ứng viên tổng thống giàu có nhất. Tuy nhiên, tài sản tranh cử đắt giá nhất của ông chính là một hình ảnh và danh tiếng trong sạch, tại một đất nước mà 2 tổng thống từng bị truất phế và một người còn đang bị giam giữ vì cáo buộc tham nhũng. 

bau cu tong thong Philippines anh 4
Ứng viên Max Roxas. Ảnh: CNN

Tổng thống Aquino đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với ông Roxas. Đổi lại, vị ứng viên cũng tuyên bố tiếp nối phong cách lãnh đạo "ngay thẳng" và những chính sách của Aquino.

Một trong những chính sách nổi bật là cho phép Mỹ triển khai quân đội đến các căn cứ quân sự của Philippines, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Roxas không ủng hộ việc Philippines tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do lo ngại nó gây ra tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp trong nước.

Phó tổng thống Jejomar Binay

Ông Binay đắc cử phó tổng thống hồi năm 2010. Ông từng là luật sư tham gia cuộc chiến chống nhà độc tài Ferdinand Marcos và có thời gian dài là thị trưởng Manila. Ông được xem là một trong những ứng viên tổng thống nặng ký nhất. 

bau cu tong thong Philippines anh 5
Phó tổng thống đương nhiệm Binay cũng chạy đua chức tổng thống. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, nhiều cáo buộc tham nhũng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ông, dù Binay luôn phủ nhận những chuyện này. Một số thông tin cho rằng, ông có thể bị khởi tố vì tham nhũng sau khi kết thúc nhiệm kỳ phó tổng thống.

Chính sách của ông Binay là ủng hộ đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, đồng thời muốn Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực. Ông cũng cho rằng đàm phán hòa bình là giải pháp tốt nhất để có thể khép lại phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago

Bà Miriam là một trong những chính trị gia kỳ cựu và nổi tiếng ở Philippines. Bà từng kinh qua nhiều vị trí ở cả 3 nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp. Miriam từng được tín nhiệm bầu vào ban thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICJ) nhưng không thể đảm đương do sức khỏe kém. 

bau cu tong thong Philippines anh 6
Bà Miriam, chính khách kỳ cựu của Philippines. Ảnh: CNN

Năm 2014, bà bị chẩn đoán ung thư phổi. Trong quá trình hồi phục sức khỏe, bà quyết định tranh cử tổng thống. Dẫu vậy, trong những tháng gần cuối chiến dịch, do không thể đẩy mạnh việc vận động vì sức khỏe kém nên Miriam bị tụt lại trong các cuộc thăm dò tiền bầu cử.

Nữ ứng viên 70 tuổi được đánh giá là người thẳng thắn và thường có những phát ngôn mạnh mẽ. Bà cho rằng Philippines không nên quá phụ thuộc vào quân đội Mỹ. Miriam kêu gọi tăng cường sức mạnh cho quân đội để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngư dân Philippines hy vọng tân tổng thống mạnh tay với TQ

Khi bầu cử tổng thống tới gần, người dân Philippines chờ đợi một lãnh đạo tương lai thực sự cương quyết về vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với Trung Quốc.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm