Trong ngày quốc khánh Philippines, hàng trăm người mang ảnh của vị anh hùng dân tộc Apolinario Mabini, vẫy quốc kỳ, hô vang khẩu hiệu yêu cầu “Trung Quốc dừng lại” nhằm thể hiện sự phản đối với các hành động cải tạo đất của Bắc Kinh trên đảo Gạc Ma và những bãi đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người biểu tình Philippines trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Makati. Ảnh: Inquirer |
Ông Rafaela David, Chủ tịch Hội Thanh niên Akbayan, cho biết: “Người dân ngày càng giận dữ trước sự gia tăng các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển phía tây Philippines (Biển Đông). Người Philippines coi đó là sự xúc phạm. Hành vi cải tạo đất trên đảo Gạc Ma cho thấy Bắc Kinh cực kỳ thiếu tôn trọng nước khác".
Trước đó, giới chức Philippines khẳng định Manila vẫn quyết tâm thúc đẩy vụ kiện tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh dù Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quốc đảo này. “Không vì hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Philippines mà chúng tôi phải ngưng vụ kiện chống lại họ, vì vấn đề này liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Hai nước có nhiều mối quan hệ hợp tác, ngoại trừ vụ kiện lần này”, người phát ngôn của Tổng thống Philippines khẳng định.
Trong một diễn biến khác, nhiều ngư dân chứng kiến cảnh tượng tàu Trung Quốc chở vật liệu tới các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm xây dựng trái phép.
Chính quyền ở Manila cho hay Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất để xây dựng đường băng và nhiều công trình quân sự khác trên đảo Gạc Ma của Việt Nam từ tháng 2/2014. Bộ Quốc phòng Philippines hồi tháng 5/2014 cho biết họ đã phát hiện một tàu lớn đang hút cát tại khu vực này. Chính quyền Philippines liên tục ghi nhận hoạt động của tàu Trung Quốc quanh hai bãi đá Ga Ven và Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng.
Các chuyên gia cho rằng việc xây đường băng trên đảo sẽ giúp Trung Quốc thành lập một vùng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.