Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phiến quân Hồi giáo đe dọa Đông Nam Á

Một tạp chí Mỹ cảnh báo sự ảnh hưởng nguy hiểm của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ lan sang Đông Nam Á trong bối cảnh chúng đang hành động ngang ngược tại Trung Đông.

Phiến quân IS đã trở thành mối họa mang tính toàn cầu. Ảnh: Getty
Phiến quân IS đã trở thành mối họa mang tính toàn cầu. Ảnh: Getty                                                  

Theo National Interest, tại nhiều khu vực của Indonesia, các nhóm chính trị Hồi giáo đã công khai bày tỏ sự quy thuận IS. Một trong số kẻ lên tiếng ủng hộ là Abu Bakar Bashir. Hắn từng sáng lập nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom chết chóc trong những năm 2000, kể cả vụ đánh bom câu lạc bộ ở Bali năm 2002, khách sạn Marriot năm 2003, Đại sứ quán Australia năm 2004, vụ đánh bom Bali năm 2005 và đặt bom khách sạn Jakarta năm 2009.

Ngày 31/8, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin Mỹ đã không kích địa điểm của các chiến binh IS gần thị trấn Amerli đang bị vây hãm ở miền bắc Iraq và thả dù tiếp tế nhân đạo cho những người dân đang bị kẹt tại đây. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang ráo riết vận động thành lập một liên minh quốc tế chống IS.

Gần 62% cư dân theo đạo Hồi sống ở châu Á - Thái Bình Dương. Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới với 209 triệu người, hay 87,2% dân số theo đạo Hồi. Dù số công dân Indonesia gia nhập IS ở Trung Đông ít, nhưng khi các chiến binh dày dạn kinh nghiệm quay về nhà sẽ trở thành một nguy cơ lớn về an ninh. 

Theo ông Sri Yunanto, cố vấn thuộc cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, chiến binh thánh chiến có thể nhen nhóm mối họa khủng bố trong nước bằng cách phát triển những mối quan hệ mới với các nhóm thánh chiến được tài trợ, vũ trang và tổ chức tốt ở Trung Đông. 

Tương tự Indonesia, nếu các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) sang Syria hay Iraq trở về, MILF có thể trỗi dậy. 

Theo nhiều chuyên gia, bất chấp thỏa thuận hồi tháng 3 kết thúc 45 năm xung đột giữa chính phủ Philippines và MILF, nền hòa bình ở nước này vẫn mong manh. Các chiến binh MILF và các nhóm Hồi giáo cực đoan tiếp tục đe dọa kích động căng thẳng tôn giáo và ly khai.

Phát huy vai trò ASEAN

Nguy cơ khủng bố không chỉ tràn tới Đông Nam Á mà còn lan sang cả Australia. Mối đe dọa IS luôn bao trùm các cuộc họp gần đây của chính phủ nước này. Bức ảnh con trai của tên khủng bố Khaled Sharrouf người Australia cầm thủ cấp của một binh sĩ tại Syria đã gây chấn động dư luận. 

Nguy cơ chiến binh trở về đang lập kế hoạch tấn công khiến Australia lo lắng. Giai đoạn 1990 - 2000, ước tính 30 công dân nước này sang Afghanistan và Pakistan và được al-Qaeda huấn luyện. 

Tình trạng cấp bách cũng đe dọa cả khu vực Đông Á. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang điều tra một video trên YouTube cho thấy một công dân Nhật bị các chiến binh IS giam giữ. 

Theo một số học giả Trung Quốc, nước này đang theo dõi sát sao diễn biến ở Trung Đông và đặc biệt cảnh giác ảnh hưởng của IS tại khu tự trị Tân Cương, sau khi thủ lĩnh IS đe dọa mở rộng cuộc chiến sang Trung Quốc. 

Những câu hỏi lớn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo

Sau vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành bộ mặt mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Trước những nguy cơ từ IS, National Interest cho rằng, hợp tác khu vực rất quan trọng. Khối ASEAN có thể phát huy vai trò khi đã cam kết hình thành Cộng đồng Chính trị - An ninh vào cuối 2015. Malaysia là Chủ tịch ASEAN năm 2015. Việc IS trực tiếp tuyển mộ chiến binh tại nước này sẽ thúc đẩy ASEAN hành động.

Chuyên gia Hannah Suh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định, cuộc khủng hoảng Iraq và sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo tại Đông Nam Á củng cố, tiếp sức cho quá trình toàn cầu hóa chủ nghĩa khủng bố. Như một phần của chiến lược cân bằng châu Á, Mỹ đang tiếp tục tăng cường quan hệ ngoại giao, quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở châu Á. 

Trước đây, Mỹ và Australia đã thành công với việc tài trợ và huấn luyện lực lượng đặc biệt chống khủng bố của Indonesia là Biệt đội 88, triệt hạ nhiều thủ lĩnh khủng bố. Những tiến bộ và hợp tác mới rất cần thiết, trong khi duy trì quan hệ an ninh song phương Mỹ - Indonesia là hết sức quan trọng. Mỹ cũng có thể tăng cường hỗ trợ và huấn luyện cho các lực lượng Philippines.

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục cam kết với các hoạt động song phương thường niên, cũng như các cuộc tập trận trong khu vực. Mỹ cũng tiếp tục ủng hộ hợp tác khu vực thông qua các diễn đàn ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Diễn đàn Khu vực ASEAN về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia…

Theo National Interest, vào thời điểm IS tiếp sức cho một giai đoạn mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt nguy cơ khủng bố, mối đe dọa an ninh này lại cung cấp một cơ hội mới cho chính sách của Mỹ.

Âm mưu tấn công bằng vũ khí sinh học của phiến quân Hồi giáo

"Ưu điểm của vũ khí sinh học là chúng có sức hủy hoại khủng khiếp đối với nhân loại nhưng chi phí dành cho kiểu vũ khí này lại không mấy đắt đỏ".

http://www.tienphong.vn/the-gioi/phien-quan-khung-bo-is-de-doa-dong-nam-a-754368.tpo

Theo Thục Ninh/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm