Các tay súng IS ở Syria. Ảnh: IB TImes |
Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang thảo luận chiến lược chống lại IS ở Iraq và Syria. Dưới đây là những câu hỏi lớn mà Hãng tin CNN đưa ra về cuộc chiến chống IS.
Ai sát hại nhà báo James Foley?
Đại sứ Anh tại Mỹ Peter Westmacott khẳng định tình báo Anh đã tiến tới rất gần việc xác định nhân dạng phiến quân IS đã cắt đầu nhà báo James Foley.
Trong đoạn video IS tung lên mạng, sát thủ mặc áo đen nói tiếng Anh giọng London. Các chuyên gia ngôn ngữ cho biết giọng nói của kẻ này cho thấy hắn trẻ hơn 30 tuổi.
Nhiều khả năng hắn được giáo dục ở Anh khi còn nhỏ và đến từ thủ đô London hoặc miền nam nước Anh. Báo chí Anh đưa tin tình báo Mỹ và Anh nghi ngờ ca sĩ nhạc rap Abdel Majed Abdel Bary, 23 tuổi, người London, có thể chính là kẻ cắt đầu nhà báo Foley.
Cha của Bary là người gốc Ai Cập, từng bị dẫn độ sang Mỹ vì có quan hệ với al-Qaeda. Bary sang Syria năm 2013 và gia nhập IS.
Mỹ có không kích IS ở Syria hay không?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải chịu áp lực ra lệnh không kích các mục tiêu IS ở cả Iraq và Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đều khẳng định tấn công IS ở Syria là cách duy nhất để đánh bại lực lượng này.
Đối với ông Obama, quyết định đó sẽ đi ngược lại quyết tâm không can thiệp vào chiến trường Syria bất chấp sức ép từ các cố vấn của chính ông, trong đó có cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Mới đây tướng Dempsey lại kêu gọi Mỹ tấn công IS ở Syria nhưng Nhà Trắng cho biết ông Obama vẫn chưa ra quyết định.
Nhà phân tích an ninh Peter Bergen của CNN nhận định sẽ rất khó tiêu diệt hoàn toàn IS nếu không triển khai bộ binh tới Iraq. Đây là điều ông Obama phản đối. Can thiệp quân sự vào Syria cũng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy địa chính trị đối với Chính phủ Mỹ. Tấn công IS ở Syria cũng đồng nghĩa với việc hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đó là điều Mỹ không hề mong muốn.
Một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ tham vấn với quốc hội trước khi ra quyết định về việc can thiệp vào Syria. Có thể ông Obama sẽ đề nghị sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và các đồng minh châu Âu.
Chính quyền Syria có giúp phương Tây chống IS hay không?
Mỹ và phương Tây muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên hiện tại nhà lãnh đạo Syria đang đề nghị hỗ trợ Mỹ chống IS. Ngoại trưởng Syria Walid Moallem cho biết Damascus sẵn sàng hỗ trợ Mỹ và LHQ chống khủng bố, cụm từ Syria ám chỉ cả IS và các nhóm nổi dậy vũ trang.
Tuy nhiên ông Moallem nhấn mạnh Syria cương quyết phản đối bất kỳ vụ không kích đơn phương nào trên lãnh thổ nước này. Một số nhà phân tích cho biết việc quân đội Mỹ tổ chức chiến dịch giải cứu con tin ở Syria là tiền lệ để nước này thực hiện chiến dịch quân sự bên ngoài biên giới Iraq.
IS sẽ tấn công phương Tây?
Hàng loạt quan chức và chuyên gia an ninh Mỹ cho rằng việc IS tấn công Mỹ và phương Tây chỉ là vấn đề thời gian. “IS là một tổ chức địa phương cực kỳ hùng mạnh và đã vươn lên tầm tổ chức khủng bố khu vực và chúng có tham vọng toàn cầu” - cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden nhận định.
Ông Hayden cho biết tấn công phương Tây sẽ là cách để IS thể hiện tham vọng. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất thay vì đánh giá thấp IS. Mới đây tướng Dempsey cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Trên thực tế, việc nhà báo Mỹ James Foley bị sát hại cũng đã bị xem là hành vi tấn công phương Tây.
Có thể chặn được dòng tiền của IS hay không?
Cướp ngân hàng, bắt cóc, buôn lậu và bán dầu trên thị trường chợ đen là những cách IS kiếm tiền để mở rộng hoạt động quân sự và khủng bố tại Syria và Iraq. Các quan chức Mỹ ước tính IS kiếm được 3 triệu USD mỗi ngày chỉ từ bán dầu thô lấy được tại các giếng dầu Iraq. IS còn cướp được hàng trăm triệu USD từ một ngân hàng Iraq ở Mosul.
Các nước phương Tây có thể giảm nguồn thu của IS bằng cách từ chối chi tiền chuộc các công dân bị bắt cóc và gây sức ép buộc chính quyền các nước Trung Đông ngăn chặn những công dân giàu có và cực đoan của họ bí mật chuyển tiền hỗ trợ IS. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang hợp tác với các nước khu vực, trong đó có Kuwait, Qatar và Saudi Arabia, để chặn dòng tiền quyên góp này.