Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), nhu cầu mua sắm hiện đại của người Việt Nam mới chỉ chiếm 20-25% chi tiêu tiêu dùng. Con số này còn rất thấp so với Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%).
Như vậy, “miếng bánh” bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Hơn nữa, dự báo đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ sẽ đạt 190 tỷ USD.
Những năm qua, có nhiều hãng bán lẻ trong vào ngoài nước gia nhập thị trường Việt, với những tuyên bố mở hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công với tuyên bố ban đầu của mình.
Family Mart
Là một “ông lớn” trong ngành bán lẻ của Nhật Bản, Family Mart từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2017, hãng này đã phải “suy nghĩ lại” về thị trường Việt Nam. Lãnh đạo Family Mart từng tuyên bố sẽ dừng việc đầu tư do làm ăn kém hiệu quả, có thể gây thua lỗ.
Một cửa hàng Family Mart tại TP.HCM. |
Hãng cũng đã phải đóng cửa một vài cửa hàng ở TP.HCM vì kinh doanh kém hiệu quả, chi phí thuê cao hoặc bị thu hồi lại mặt bằng. Hiện đơn vị này có khoảng 136 cửa hàng tại TP.HCM và 24 cửa hàng tại Bình Dương và Vũng Tàu.
Đây cũng là con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2020. Đặc biệt, Family Mart có phần đang hụt hơi so với các đối thủ khác, đặc biệt là các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc. Nhiều người tiêu dùng khó có thể hình dung Family Mart có hơn 10.000 cửa hàng tại quê nhà Nhật Bản.
7-Eleven
Tháng 6/2017, 7-Eleven, một thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản, cũng đặt chân đến Việt Nam và mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Chuỗi này đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng tiện lợi vào năm 2027, nghĩa là 7-Eleven trung bình mỗi năm phải mở 100 cửa hàng.
Sau một năm, vào tháng 6 này, 7-Eleven vẫn giậm chân tại chỗ với trên dưới 10 cửa hàng tại TP.HCM.
7-Eleven còn chưa có một cửa hàng nào tại Hà Nội, thành phố lớn thứ 2 cả nước. Trong khi đó, Hà Nội là nơi có lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi ít hơn hẳn TP.HCM.
Mục tiêu 100 cửa hàng mỗi năm của 7-Eleven có vẻ đang gặp khó và khả năng hiện thực hóa là dấu hỏi khi thị trường đang cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Bách Hóa Xanh
Tháng 10/2017, sau thành công của chuỗi bán lẻ điện thoại Thegioididong.com, Thế Giới Di Dộng lên kế hoạch đẩy mạnh quy mô chuỗi Bách Hóa Xanh với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng trong năm 2018, tức mỗi tháng mở 30-50 cửa hàng.
Doanh nghiệp còn kỳ vọng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận chủ đạo trong tương lai, có thể thay thế chuỗi cửa hàng bán điện thoại Thegioididong.com.
Thế Giới Di Động đang gặp khó với chuỗi Bách Hóa Xanh. |
Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, doanh nghiệp này đã giảm mục tiêu xuống còn 500 cửa hàng. Tính đến quý I, số cửa hàng Bách Hoá Xanh là 316 cửa hàng. Việc mở cửa hàng mới cũng đang gặp khó khăn khi chi phí lên tới 1 tỷ đồng mỗi nơi.
Không những vậy, Thegioididong.com đã phải đóng cửa những cửa hàng đầu tiên sau nhiều năm phát triển nóng. 6 tháng đầu năm đã có 7 cửa hàng phải dừng hoạt động.
Ministop
Lấn sân vào nhóm cửa hàng tiện lợi từ rất sớm vào năm 2011, thương hiệu G7 của Trung Nguyên đã quyết định đưa mô hình Ministop, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền.
Tham vọng của Trung Nguyên là mở 500 cửa hàng trong 5 năm nhưng thực tế đến nay chỉ còn 17 cửa hàng. Dù duy trì lượng cửa hàng không nhiều trên, tình hình kinh doanh bết bát khiến Ministop chia tay Trung Nguyên, tìm đến đối tác mới.
Chuỗi Ministop từng mở cửa liên tục nhưng sau đó đã phải thu hẹp lại. |
Chuyển sang hợp tác với Sojitz, Ministop và đối tác này đang có khoảng 115 cửa hàng. Liên doanh này đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng trong 2017 và tăng gấp đôi trong năm 2018.
Tuy nhiên, mục tiêu này có phần đang gặp khó khó khi việc tìm kiếm mặt bằng khó khăn, thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Vissan
Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) mới đây cho biết đã đóng cửa gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi mà đơn vị này có. Nguyên nhân chủ yếu là do các cửa hàng này hoạt động không hiệu quả, lượng khách đến mua không nhiều.
Mặt khác, mặt bằng để kinh doanh chủ yếu đi thuê, đến thời hạn tái ký thuê, chủ nhà không đồng ý hoặc tăng giá cao nên công ty buộc phải ngưng và rời bỏ.
Ban đầu doanh nghiệp này cũng tham vọng tận đụng thế mạnh của mình, để xây dựng chuỗi hàng trăm cửa hàng tiện lợi chuyên về thực phẩm. Tuy nhiên, kết cục khiến Vissan phải nếm “trái đắng”.
Lãnh đạo doanh nghiệp này từng thừa nhận thị trường bán lẻ cạnh tranh rất khốc liệt nên nếu kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa để tìm hướng đi mới tốt hơn là duy trì.