Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Buộc siêu thị phải bán ngày lễ, chỉ được khuyến mại 3 lần trong năm

Sau khi Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo nghị định về quản lý ngành phân phối, ngay lập tức đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia.

Trong dự thảo, nhiều nội dung Bộ Công Thương đưa ra bị phản ứng mạnh, như quy định “siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, thời gian mở cửa tối thiểu từ 10h đến 22h. 

Các chuyên gia nói thẳng mục tiêu “cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối” của dự thảo không khả thi, khi nội dung còn quá nhiều bất cập.

Một loạt quy định gây tranh cãi

Trong quy định về khuyến mại và quảng bá, dự thảo nghị định quy định mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Trong đợt giảm giá phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.

Trong quy định về quản lý và điều hành siêu thị, trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có ít nhất 1 giám đốc hoặc thành viên HĐQT là người Việt. Ngoài ra, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.

du thao nghi dinh ve quan ly phan phoi anh 1
Việc can thiệp vào thời gian khuyến mại của doanh nghiệp vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Ảnh: NM.

Ngoài ra, siêu thị, trung tâm thương mại phải sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác. Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Nghị định cũng yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h đến 22h.

Trong quy định về tiêu chuẩn trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên. Tiêu chuẩn siêu thị cũng phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2...

Can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp

Trong văn bản góp ý về dự thảo nghị định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng có quá nhiều vấn đề chưa hợp lý, như mục tiêu, quy định, yêu cầu với hoạt động phân phối…

du thao nghi dinh ve quan ly phan phoi anh 2
VCCI cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý, có thể tạo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp trong dự thảo nghị định. Ảnh: Lê Quân.

Dẫn chứng về quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại, ví dụ yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam…, VCCI cho rằng chưa tính tới thực tế là hiện đã có Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài.

Bất hợp lý thứ 2, theo VCCI, dự thảo đề xuất các “tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; xây dựng, phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn; vệ sinh môi trường…” là có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh. Trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

Cơ quan này cũng cho rằng một số đề xuất quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, như phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND có thẩm quyền phê duyệt”. Điều này có thể cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo VCCI, việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, nhưng không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.

Ngoài ra, quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại dự thảo nghị định cũng chưa hợp lý. Lý do, siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.

“Các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh,  không phải kiểm soát riêng theo cách này”, văn bản nêu.

Dự thảo làm khó doanh nghiệp

Cũng chỉ ra nhiều bất cập của dự thảo nghị định, văn bản của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đặt nhiều câu hỏi và kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, “tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2” là không thực tiễn và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ. AVR góp ý không nên quy định “trần” diện tích cho siêu thị.

Hiệp hội này còn đặt câu hỏi “trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000 m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại, thì sẽ được phân loại vào loại hình nào”.

du thao nghi dinh ve quan ly phan phoi anh 3
Hiệp hội các nhà bán lẻ cho rằng dự thảo nghị định đang làm khó doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Với quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h đến 22h, AVR phản đối vì cho rằng quy định trên không phù hợp thực tế, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh cũng như ngược chiều với thông lệ quốc tế", bà Loan cho biết.

Với quy định “phải ghi rõ tên thương nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin khác”, AVR đề nghị bỏ phần “và các thông tin khác” vì cụm từ này không rõ ràng, có thể sẽ bị diễn giải theo các hướng khác nhau làm khó cho doanh nghiệp.

Về quy định "phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam", cơ quan quản lý phải kiểm tra tính phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như cân nhắc kỹ tỷ lệ cao có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm chất lượng, cạnh tranh tương xứng.

Bộ Công Thương nói mới chỉ là dự thảo

Trước một loạt phản hồi không đồng tình, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan. Nhưng đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam Với quy mô 110 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Bộ này cũng cho biết khi đề xuất xây dựng dự thảo nghị định, mục tiêu đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan.

Bộ muốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.

Khuyến mãi sốc dịp lễ 30/4, khách 'xới' đồ hiệu rồi về tay không

Tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với mác "giá sốc", "giá ưu đãi lớn nhất trong năm" nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang ở TP.HCM vẫn vắng khách.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm