Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ khắp châu Á vào Việt Nam

Các nhà bán lẻ từ khắp châu Á đang đổ bộ vào Việt Nam khi các hạn chế đối với các công ty nước ngoài được nới lỏng, theo Nikkei.

Trong số các công ty nước ngoài, các tập đoàn điện tử như Samsung Electronics từ lâu đã nhìn thấy giá trị ở Việt Nam dù so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn thua kém về phát triển kinh tế.

Một trong những nhân tố mới bắt đầu bước đột phá lớn vào thị trường bán lẻ Việt Nam là cửa hàng tiện lợi GS25, có mặt tại Hồ Chí Minh từ tháng 1.

GS Retail, chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Hàn Quốc, dự định mở 50 cửa hàng tại Việt Nam vào cuối năm nay và mở rộng mạng lưới của mình tại đây tới 2.500 địa điểm trong 10 năm tới. Tại thị trường nội địa, GS25 hiện có 12.000 cửa hàng.

E-Mart của Hàn Quốc đã mở cửa hàng của mình rộng 3 hecta với đầy đủ thực phẩm, quần áo đồ gia dụng tại ngoại thành Hồ Chí Minh. Với thành công đầu tiên, E-Mart dự kiến mở trên 10 điểm bán khắp cả nước.

Lotte cũng có kế hoạch khủng cho thị trường Việt Nam với việc tăng số cửa hàng lên 87 từ con số 13 hiện tại. Giám đốc tập đoàn gọi Việt Nam là "thị trường quan trọng nhất Đông Nam Á".

Seven & i Holdings của Nhật Bản có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng 7-Eleven tại Việt Nam vào năm 2027.

Chuỗi B's Mart của Thái Lan đang nhắm tới con số 3.000 cửa hàng.

ban le,  chau a,  do bo,  thi truong viet nam anh 1
Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của chuỗi siêu thị E-Mart tại Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Atsushi Tomiyama

Tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD trong năm 2017.

Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp bán lẻ sở hữu 100% vốn nước ngoài với điều kiện nhất định kể từ năm 2009, hai năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trong năm 2016, chính phủ đã giảm rào cản, cho phép mở cửa hàng dưới 500 m2, tạo điều kiện cho chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài phát triển mạnh.

Theo CPTPP được ký kết vào tháng 3, các công ty bán lẻ có thể mở rộng mà không cần bất kỳ sự kiểm soát nào khác của chính phủ.

Các nhà bán lẻ và chuỗi nhỏ từ lâu đã thống trị thị trường Việt Nam. Siêu thị hay cửa hàng tiện lợi hiện đại hiện chỉ chiếm 5,4% trong tổng số, thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù vậy, thu nhập tăng lên, nhiều người Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những loại thực phẩm chất lượng. 

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm, và tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đạt 2.385 USD vào năm 2017. Tại thành phố Hồ Chí Minh, con số này là hơn 5.000 USD.

Đây là một cơ hội lớn cho các chuỗi nước ngoài, vì Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1.000 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi - tương đương 1/20 - 1/30 số lượng ở Nhật Bản.

ban le,  chau a,  do bo,  thi truong viet nam anh 2
Người Sài Gòn chen chúc trong ngày khai trương chuỗi cửa hàng 7-Eleven. Ảnh: Thanh Tùng.

Triển vọng của vốn nước ngoài tràn ngập thị trường bán lẻ khiến một số người lo ngại. "Nếu các công ty nước ngoài thống trị, các công ty trong nước và người Việt sẽ chính là người chịu thiệt", một thành viên Quốc hội chia sẻ.

Nhưng các công ty trong nước cũng không ngồi yên chịu trận. VinMart +, cửa hàng tiện lợi của Vingroup, dự kiến tăng số lượng gấp 4, lên 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

MobileWorld, nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu của Việt Nam, đã xây dựng 375 cửa hàng trong vòng 3 năm và nhắm tới con số 500 vào cuối năm nay.


V.Thùy

Bạn có thể quan tâm