Sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan cho phép các chiến binh Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8, bất chấp 20 năm được quân đội Mỹ huấn luyện và hàng tỷ USD mua sắm vũ khí, Washington Post cho biết.
Mỹ và các nước phương Tây choáng váng trước sự sụp đổ quá nhanh của quân đội Afghanistan và gấp rút triển khai chiến dịch sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kabul.
Các chỉ huy quân đội chỉ cần tiền
Sau thỏa thuận Doha giữa chính phủ Mỹ và Taliban về việc kêu gọi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, tâm lý của lực lượng an ninh chính phủ bắt đầu lung lay. Một bộ phận không nhỏ các quan chức trong lực lượng an ninh Afghanistan nhận ra rằng họ sẽ sớm không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Không quân Mỹ.
Họ ngày càng trở nên dễ chấp nhận phương pháp tiếp cận của Taliban. Tổ chức này đã tận dụng sự bất ổn trong tâm lý của quân đội chính phủ Afghanistan để bắt đầu chiến lược mua chuộc.
Mọi thứ bắt đầu với một loạt các thỏa thuận môi giới tại những ngôi làng nông thôn giữa Taliban và một số quan chức cấp thấp nhất trong chính phủ Afghanistan.
Quân đội được Mỹ đào tạo và đầu tư hàng chục tỷ USD mua sắm vũ khí đã buông súng mà không cần chiến đấu. Ảnh: U.S Army. |
Theo một số sĩ quan quân đội Afghanistan, thỏa thuận ban đầu được đưa ra vào đầu năm ngoái. Nó được giới chức Afghanistan mô tả là thỏa thuận ngừng bắn, nhưng thực tế Taliban đã đưa tiền để quân đội chính phủ giao vũ khí cho họ.
Trong một năm rưỡi tiếp theo, các thỏa thuận đổi chác tiến tới cấp huyện, sau đó nhanh chóng đến thủ phủ các tỉnh, với đỉnh điểm là một loạt các cuộc đầu hàng ngoạn mục của lực lượng chính phủ, theo cuộc phỏng vấn hơn một chục sĩ quan quân đội, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm Afghanistan.
Chỉ trong vòng một tuần, Taliban đã chiếm hơn 10 thủ phủ các tỉnh và tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào, dẫn đến sự ra đi của tổng thống Afghanistan và sự sụp đổ của chính phủ.
Lực lượng an ninh Afghanistan xung quanh Kabul và ngay chính trong thành phố chỉ đơn giản là bỏ cuộc. Khi màn đêm buông xuống, các trạm kiểm soát của cảnh sát bị bỏ hoang và các chiến binh tự do đi lang thang trong thành phố.
“Một số chỉ muốn có tiền. Những người khác coi thỏa thuận của Mỹ với Taliban là một sự đảm bảo rằng các chiến binh sẽ sớm trở lại nắm quyền ở đất nước. Họ chỉ muốn đảm bảo vị trí của mình”, một sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Afghanistan, nói về những người đầu tiên đồng ý gặp Taliban.
Thỏa thuận Doha được thiết kế để chấm dứt chiến tranh, nhưng thực tế lại khiến lực lượng Afghanistan mất tinh thần, mở đường cho tham nhũng và lòng trung thành với chính phủ trung ương bị lung lay.
“Họ coi tài liệu đó là dấu chấm hết. Ngày thỏa thuận được ký kết, chúng tôi đã thấy trước sự thay đổi. Mọi người chỉ đang kiếm tiền cho bản thân mình. Nó giống như Mỹ đã để chúng tôi thất bại”, viên sĩ quan giấu tên nói.
Chính phủ nợ lương quá lâu
Bên cạnh việc xuống tinh thần sau thỏa thuận Doha, lực lượng an ninh Afghanistan ngày càng trở nên bất mãn vì chính phủ nợ lương họ quá lâu. Một số sĩ quan phàn nàn rằng họ đã không được trả lương trong 6 tháng, thậm chí lâu hơn.
Một số chỉ huy quân đội Afghanistan đã chấp nhận giao nộp vũ khí cho Taliban để lấy tiền. Ảnh: AFP. |
Sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút hết quân đội về nước trước ngày 11/9 mà không đi cùng bất kỳ điều kiện nào, sự sụp đổ của lực lượng an ninh Afghanistan bắt đầu.
Khi Taliban mở rộng quyền kiểm soát, các khu vực do chính phủ kiểm soát dần thất thủ mà không có sự kháng cự nào.
Tại Kunduz, thành phố trọng điểm đầu tiên bị Taliban tấn công đã thất thủ một tuần trước. Các lãnh đạo bộ lạc đã làm trung gian cho cuộc đàm phán trong nhiều ngày dẫn đến thỏa thuận bàn giao căn cứ trọng điểm của chính phủ cho Taliban.
Một ngày sau đó, cuộc đàm phán ở tỉnh Herat dẫn đến sự đầu hàng của thống đốc, quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, sĩ quan tình báo và hàng trăm binh sĩ. Thỏa thuận đầu hàng được ký trong đêm.
“Tôi rất xấu hổ”, một quan chức Bộ Nội vụ Afghanistan ở Kabul nói, khi đề cập đến việc đầu hàng của quan chức cấp cao Bộ Nội vụ ở tỉnh Herat. “Tôi chỉ là một người rất nhỏ bé, tôi không có cấp bậc cao như vậy, nếu ông ta làm như vậy, tôi phải làm sao”, người này nói thêm.
Tại tỉnh Helmand, khu vực từng được xem là thành trì chống Taliban ở miền Nam nước này đã chứng kiến sự đầu hàng hàng loạt. Khi Taliban tiến vào tỉnh Ghazni ở miền Đông, thống đốc tỉnh này đã bỏ chạy dưới sự bảo vệ của Taliban.
Lực lượng đặc nhiệm - đơn vị chiến đấu dũng mãnh nhất ở Afghanistan cũng chứng kiến sự đầu hàng của các chỉ huy. Một sĩ quan chỉ huy lực lượng đặc nhiệm ở thành phố Kandahar đã yêu cầu binh sĩ của ông ta đầu hàng.
Một số khác bỏ vũ khí, thay trang phục và bỏ trốn khỏi vị trí. “Tôi cảm thấy rất xấu hổ về những gì mình đã làm, nhưng nếu tôi không chạy trốn, số phận của tôi sẽ bị trao cho Taliban”, một sĩ quan bỏ chạy nói.
Một sĩ quan cảnh sát Afghanistan khi được hỏi về việc lực lượng của ông thiếu động lực chiến đấu, người này nói rằng họ chưa nhận được lương trong 6 đến 9 tháng, khoản tiền mà Taliban đưa ra trở nên quá hấp dẫn với họ.
“Nếu không có người Mỹ thì không sợ bị bắt vì tội tham nhũng”, một sĩ quan cảnh sát Afghanistan nói.
Một số sĩ quan thừa nhận tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của lực lượng an ninh chính phủ.