Trong một bài trên báo PhilStar, giáo sư Alan Dupont - chuyên gia về an ninh quốc tế của Đại học New South Wales, Australia - nhận định rất có thể Trung Quốc sẽ chấp nhận các thiệt hại kinh tế để gây hấn, đụng độ với các đồng minh của Mỹ trong biển Đông như Philippines nhằm thống trị vùng biển quan trọng.
“Chúng ta đừng quên Anh và Đức cũng từng có những mối quan hệ thương mại sâu sắc hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng mối quan hệ ấy không phải là rào cản để hai nước gây chiến vào năm 1914. Do vậy việc kết luận rằng sự phụ thuộc thương mại lẫn nhau sâu sắc sẽ bảo đảm hòa bình là điều sai lầm” - ông Dupont nhắc đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
Tàu sân bay USS George Washington thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương. Ảnh: PhilStar |
Đối với Philippines, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc cũng là nước đầu tư nước ngoài cao thứ 9 vào Philippines, và xếp thứ 4 về nguồn du khách quốc tế.
Trong bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Policy, ông Micah Zenko, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (New York), nhận định một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không phải là "sự kiện mà các bên sắp đặt trước”, song những diễn biến căng thẳng có thể dẫn đến kết cục ấy.
“Mỹ có thể sa vào vào một cuộc xung đột vì tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt khi Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Philippines”, Zenko bình luận.
Theo Zenko, các nước liên quan có thể tránh được cuộc chiến chỉ khi họ xác định rõ thế nào là những hành động hợp lý trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi bên.
Giáo sư Dupont cho rằng, lợi ích mà Trung Quốc hưởng sẽ lớn hơn tổn thất nếu Bắc Kinh củng cố thành công vị thế trong những vùng biển tranh chấp giàu dầu mỏ. Chính sự không đảm bảo về tài nguyên là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Trung Quốc áp dụng chủ nghĩa “cơ bắp” đơn phương.
“Chỉ trong vòng hơn hai thập kỉ mà nước này chuyển dịch từ một nhà xuất khẩu ròng sang nhập khẩu dầu mỏ. Ngay cả khi rất giàu khoáng sản, than cũng không thể đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc”.
Theo ông Dupont, biển Đông và các vùng tranh chấp giàu hải sản khác vô cùng quan trọng với Trung Quốc, đặc biệt trong kế hoạch an ninh lương thực cho dân số hơn một tỷ người. “Vấn đề này luôn đè nặng lên tâm trí của các lãnh đạo, bên cạnh những nỗi lo lắng về khủng bố, cướp biển, yếu tố môi trường ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng. Trung Quốc cũng nhận thức rõ đối thủ cạnh tranh chính của họ là nước Mỹ”.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đang kiểm soát eo biển Malacca và nhiều phần ở tây Thái Bình Dương - các khu vực mà Trung Quốc đang nhòm ngó. Tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines cũng tạo cơ hội cho Mỹ phục hồi “hệ thống liên minh” của Washington trong khu vực.
Gần đây Washington ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines. Thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hiện diện luân phiên tại Philippines, sau khi căn cứ quân sự Mỹ tại nước này bị phá bỏ năm 1994. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thực hiện các chuyến thăm cấp nhà nước tới Philippines, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc - những quốc gia thành viên tiềm năng cho “kiến trúc an ninh mới” mà Mỹ đang cố gắng xây dựng.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy việc thành lập “cấu trúc hợp tác” với các đối tác khu vực như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Sri Lanka. Giới phân tích coi sáng kiến của ông Tập là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm quy tụ các nước đang phát triển châu Á để giảm ảnh hưởng của Mỹ cũng như vai trò của cường quốc này trong khu vực.